Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Luật sư viết báo

So sánh việc xử lý gian lận thi cử ở Mỹ và Việt Nam

Hôm 13/9, nữ diễn viên điện ảnh Felicity Huffman đã bị một tòa án ở Mỹ kết án 14 ngày tù, 250 giờ phục vụ cộng đồng và nộp phạt 30.000 đôla vì tội đã hối lộ chạy điểm cho con vào trường đại học.

Bà ta thừa nhận đã trả 15 ngàn đôla để nhờ sửa điểm trong bài thi của con gái vào năm 2017.

Có khoảng 50 phụ huynh bị buộc tội trong vụ bê bối, họ bị cáo buộc đã hối lộ nhờ chỉnh sửa các câu trả lời trong bài kiểm tra của học sinh. Felicity Huffman là phụ huynh đầu tiên bị kết án, còn nhiều trường hợp khác đã chạy điểm cho con với số tiền lên đến hàng trăm nghìn và hàng triệu đôla.

Trong khi đó ở Việt Nam, các cơ quan tư pháp hiện cũng đang giải quyết một số vụ án gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018 ở một số tỉnh miền núi gồm Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La.

Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ là điểm ứng tuyển vào các trường đại học của Việt Nam.

Nhưng khác với sự việc ở Mỹ cơ quan tư pháp đã khẩn trương xử lý phụ huynh, ở Việt Nam các cơ quan tư pháp đang loay hoay và tự trói buộc mình bằng những nhận thức sai lầm và đường lối xử lý lạc hậu.

Mặc dù các cán bộ ngành giáo dục đã thừa nhận cầm tiền của phụ huynh để nâng điểm cho học sinh, nhưng cơ quan điều tra vẫn không xử lý các phụ huynh vì qua khai báo họ phủ nhận việc đưa tiền.

Theo bài trên báo Tuổi trẻ ngày 09/7/2019 có tiêu đề “Vụ gian lận thi cử Sơn La: Không đủ căn cứ truy cứu nhóm tội hối lộ”, bài báo cho biết Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La về vụ gian lận thi cử xác định không đủ căn cứ chứng minh và truy cứu các bị can, những người liên quan về tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ.

Cáo trạng truy tố 8 bị can là cán bộ nhà nước về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì đã có hành vi sửa bài có tổ chức nâng điểm cho 44 thí sinh.

Mặc dù đã xác định được hành vi nhận tiền với con số lên đến hàng trăm triệu để sửa nâng điểm cho các học sinh, số tiền cũng đã được nộp lại cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả, nhưng cơ quan tư pháp lại cho rằng không đủ căn cứ để xử lý phụ huynh về tội đưa hối lộ.

Họ cho rằng ngoài lời khai của các bị can và số tiền đã nộp cho cơ quan điều tra thì không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh.

Sai lầm nhận thức
Đây là nhận định đánh giá hết sức sai lầm, vì lời khai báo nhận tiền phù hợp với kết quả xác minh về việc nâng điểm, như thế là đủ cơ sở để khẳng định phụ huynh đã đưa tiền chạy điểm.

Nếu không thì các cán bộ ngành giáo dục đã đánh đổi rủi ro cương vị nghề nghiệp của mình để làm cái việc sai trái là nâng điểm cho học sinh, để làm gì?

Và khi họ đã thừa nhận là do nhận tiền thì điều đó là quá đủ để khẳng định phụ huynh đã đưa tiền chạy điểm cho con mình.

Khi đó lời cáo buộc phạm tội dành cho phụ huynh hoàn toàn hợp lý thuyết phục, sự thật đã rõ ràng mặc cho những lời phủ nhận.

Nhưng rất vô lý là cơ quan tư pháp lại không dựa vào những biện giải hợp lý như vậy để kết luận.

Trong vụ việc ở bên Mỹ, nữ diễn viên Felicity Huffman đã khóc xin lỗi và cho rằng mình đã sợ hãi, ngu ngốc và quá sai khi đã chạy điểm cho con. Phía tòa án kết tội cũng nêu lên sự phẫn nộ của dư luận và bản án xử lý có tính chất răn đe là một cách cảnh tỉnh các sai phạm trong đời sống xã hội.

Còn ở Việt Nam, bằng việc không xử lý hình sự các phụ huynh, việc giải quyết các vụ gian lận thi cử chưa đối diện với vấn đề bản chất nhất của sự việc.

Bởi vậy tôi cho rằng các cơ quan tư pháp Việt Nam cần thay đổi quan điểm, khẩn trương xử lý các phụ huynh chạy điểm giống như cơ quan tư pháp bên Mỹ đã làm.

Về cách thức thực hiện thì có thể áp dụng theo cách thức mà nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của đất nước Singapore đã làm trong việc xử lý các hành vi đưa nhận hối lộ.

Trong cuốn hồi ký có tiêu đề “Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất,” ông cho biết đã sửa luật xác lập quan điểm đường lối xử lý mới, để giữ cho sự lành mạnh của bộ máy hành chính, đó là sử dụng lời khai của kẻ tòng phạm là bằng chứng để kết tội.

Tức là nếu bên đưa hay bên nhận có khai báo thì đó sẽ là căn cứ để xứ lý bên còn lại, dù cho bên kia có chối.

Áp vào vụ gian lận điểm thi, cán bộ giáo dục đã khai nhận tiền của phụ huynh, kết hợp với bản thân sự việc là học sinh được nâng điểm, như vậy là đủ cơ sở xác định có việc đưa nhận hối lộ.

Đó là lý lẽ biện giải logic thuyết phục mà cơ quan tư pháp cần dựa vào để kết luận.

Mà đó có lẽ cũng là phương pháp xử lý không chỉ ở Singapore mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

Lời khai báo của một bên đưa hoặc nhận hối lộ sẽ là căn cứ để kết tội bên còn lại.

Trong khi đó ở Việt Nam các cơ quan tư pháp vẫn loay hoay, gây nghi ngờ về quyết tâm xử lý các hành vi hối lộ vốn rất phổ biến trong xã hội hiện nay.

Cần thay đổi
Để xác lập đường lối xử lý mới thì một thông tư liên tịch giữa các cơ quan tư pháp có thể được ban hành.

Để tăng độ tin cậy cho các lời khai báo, cơ quan tư pháp Việt Nam cần học hỏi cơ chế tư pháp của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo cho lời khai báo là tự nguyện, bằng việc cho phép bị can có luật sư, tiến hành ghi âm ghi hình khi hỏi cung, cho phép bị can được quyền im lặng từ chối trả lời câu hỏi.

Ngoài những điều đó, ở Việt Nam nhiều người vẫn nghi ngại về những lời khai báo gian dối hoặc vu oan giá họa, khi đó việc điều tra cần thực hiện thêm những biện pháp nghiệp vụ bổ sung như tiến hành nhận dạng, đối chất và xác định xem có mâu thuẫn nào giữa phụ huynh và cán bộ giáo dục hay không, nếu không thì tại sao họ tự dưng nâng điểm vu oan.

Như thế, các yếu tố liên quan sẽ được làm rõ giúp đưa ra kết luận cuối cùng đủ tính thuyết phục, mà nếu sau tất cả những điều đó mà vẫn xảy ra bị oan thì cũng đành chịu.

Vì việc xét xử của tòa án ở mọi nơi đều ko đảm bảo 100% chính xác, tránh hết được oan sai, thay vào đó người ta chỉ làm hết khả năng để phòng tránh oan sai mà thôi.

Là một luật sư bào chữa, bản thân tôi rất muốn các cơ quan tư pháp thay đổi quan điểm cách làm của họ, để cùng với cách làm mới, các hoạt động tố tụng sẽ bảo hộ tốt hơn cho các quyền con người, bảo hộ cho sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của bị can.

Nền tư pháp cần tạo lập thói quen dẫn dựa vào những lý lẽ biện giải trên nền tảng nhận thức duy lý của con người về sự vật hiện tượng, mà đó cũng chính là cội rễ của ý niệm cảm thức về công lý, để xử lý các vụ việc.

Thay vì như hiện nay, cơ chế tư pháp thụ động trông chờ vào những lời khai nhận để kết tội, mà đằng sau đó là đầy rẫy những lạm quyền bạo hành chuyên chế trấn áp.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49752400

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com