Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Nghiên cứu pháp luật

Hồi ký vụ án Hàn Đức Long – Kỳ 12: Đấu tranh cho cải cách tư pháp

Làm sao để minh oan cho ông Hàn Đức Long đó là câu hỏi tôi luôn trăn trở. Tham gia vào các hoạt động tố tụng chỉ là một phần công việc nhỏ trong toàn bộ những hoạt động kêu oan, và thực tế hoạt động này mang lại ít hiệu quả cho việc minh oan. Vì các hoạt động tố tụng như lấy lại lời khai hay thực nghiệm lại hiện trường đều đã được cơ quan điều tra làm nhiều lần trước đó rồi, họ đã thực hiện trong quá trình điều tra ban đầu năm 2005 cũng như thực hiện lại trong quá trình điều tra lại năm 2009 trước đó nhưng vẫn không giúp làm sáng tỏ được vụ án. Cho nên nếu luật sư bào chữa chỉ tham gia vào các hoạt động tố tụng bình thường như vậy thì nhiêu đó là không đủ hiệu quả cho việc minh oan.

Bản thân tôi khi theo đuổi minh oan cho tử tù đã xác định rằng đó không chỉ là công việc minh oan cho một người, mà đó còn là một quá trình thúc đẩy xây dựng cho nền tư pháp. Bằng việc chỉ ra những lạm dụng trong thực thi pháp luật và những sai trái trong bản thân quy định pháp luật, tôi đã chỉ ra nguyên nhân gây ra oan sai của vụ án và thúc đẩy sửa đổi các quy định pháp luật sao cho đảm bảo tính khoa học đúng đắn.

Theo đó tôi hiểu rằng việc gây ra oan sai một phần do lỗi năng lực nghiệp vụ của cán bộ tư pháp nhưng mặt khác đó cũng là do bản thân các quy định pháp luật có vấn đề. Các quy định pháp lý thiếu tính đúng đắn khoa học khiến cho quy trình thủ tục chứa đựng nhiều rủi ro dẫn đến án oan sai mà bản thân người tiến hành tố tụng cũng không ý thức được. Họ đã vận dụng làm đúng theo quy trình pháp luật mà vẫn gây oan theo kiểu làm sai mà không tự biết.

Trong lĩnh vực tư pháp có một khái niệm là “niềm tin nội tâm”, niềm tin này là cơ sở xét đoán của mọi người tham gia vào hoạt động xét xử. Tất cả những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và luật sư đều phải dựa vào niềm tin nội tâm để xét đoán sự việc. Bởi vì dù thế nào đi nữa thì họ cũng không phải là bị cáo và không tận mắt chứng kiến sự việc nên họ không thể chắc chắn bị cáo có phải là thủ phạm hay không, mọi quy kết buộc tội hay bào chữa gỡ tội chỉ có thể dựa vào niềm tin nội tâm. Niềm tin nội tâm được tạo thành từ những hiểu biết về vụ án thông qua các tài liệu chứng cứ, qua nghiên cứu hiện trường, hồ sơ vụ án, thông tin về nhân thân bị cáo …

Ở Việt Nam lâu nay khi xét xử người ta ít sử dụng đến niềm tin nội tâm, và khái niệm niềm tin nội tâm chỉ nằm gọn hạn hẹp trong các nghiên cứu về học thuật. Việc xét xử thay vì dựa vào niềm tin nội tâm trong đó chứng cứ thỉ là một thành tố tạo thành (ngoài chứng cứ còn cần trình độ kinh nghiệm để tạo nên niềm tin xét đoán) việc xét xử lại đặt nặng vào chứng cứ.

Cách làm án phụ thuộc nặng nề vào chứng cứ bộc lộ nhận thức giản đơn về những vấn đề vốn dĩ phức tạp của khoa học tư pháp, vốn đòi hỏi phải vận dụng đến những đặc tính lý trí của con người. Đó là một thứ chủ nghĩa duy lý tồn tại ẩn sâu trong nhận thức mỗi chúng ta, giúp đưa ra những nhận định đánh giá đúng đắn về các sự vật hiện tượng. Việc xử án dựa vào niềm tin nội tâm là cách làm có tính tôn trọng sự phức tạp của thực tế khách quan, theo lẽ rằng không phải vụ án nào cũng có chứng cứ rõ ràng, không phải khi nào chân lý cũng biểu lộ rõ rệt về sự đúng sai, mà nhiều khi thực tế chỉ cung cấp bày ra trước mắt con người những sự thiếu hụt không đầy đủ, đòi hỏi tư duy lý trí con người phải vận động bù đắp vào mới thấy được chân lý.

Xuất phát từ đó mà lịch sử tư pháp thế giới mới sáng chế ra quy trình thủ tục tư pháp gồm hội đồng xét xử nhiều người và việc xét xử qua hai cấp, đó là cách sàng lọc hạn chế rủi ro trong điều kiện vụ án không phải lúc nào cũng có chứng cứ rõ ràng và thực tế không phải lúc nào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tư duy nhận thức của con người.

Cho nên nếu giải quyết án cứ phải có chứng cứ rõ ràng thì chỉ cần một người phán quyết là đủ cần gì phải hội đồng nhiều người, mà cũng chỉ cần một lần xét xử là được cần gì phải qua hai cấp. Lối xử án cứ đòi hỏi chứng cứ rõ ràng lâu nay tưởng chừng như là nghiêm túc khoa học, nhưng thực chất lại không khoa học đã dẫn đến hệ lụy xấu. Đó là khi gặp khó khăn trong điều tra để tìm chứng cứ thì dễ nhất là bắt giam bức cung buộc bị can phải khai nhận hành vi của mình, từ đó biên bản ghi lời khai được sử dụng làm chứng cứ kết tội.

Những bất cập tư pháp không khó để nhận ra, nhưng chỉ ra được là một chuyện còn thúc đẩy để cải thiện tiến bộ thì không đơn giản. Làm sao để cả một hệ thống quan liêu dịch chuyển là một việc khó, đòi hỏi phải duy trì nỗ lực thúc đẩy liên tục theo thời gian và chỉ một vài cá nhân cố gắng là không đủ. Quá trình kêu oan tôi đã nói rất nhiều điều và nói lại rất nhiều lần về các vấn đề của nền tư pháp hình sự. Nhờ có mạng xã hội kết nối với mọi người và dễ dàng truyền đạt ý kiến, tôi đã lên tiếng liên tục bền bỉ và tạo lập cho mình vị trí tiếng nói trong giới luật sư và cộng đồng tư pháp. Việc lên tiếng cũng rất đúng dịp và rất thích hợp bởi quãng thời gian kêu oan cho tử tù cũng là quãng thời gian Nhà nước thực hiện một loạt những sửa đổi văn bản pháp luật hình sự, đây là sự trùng hợp rất quan trọng góp phần tạo môi trường cơ hội thuận lợi cho việc minh oan.

Ví như quá trình kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long tôi đã nhiều lần lên tiếng phản ánh việc để cho cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang tiến hành điều tra lại vụ án là không hợp lý. Cơ quan này đã tiến hành điều tra ban đầu và thêm một lần điều tra lại nhưng kết quả vẫn không rõ ràng chính xác, khiến vụ án bị hủy bỏ lần thứ hai. Điều đó cho thấy có vấn đề về năng lực chất lượng điều tra do vậy nếu tiếp tục để cơ quan này điều tra lại lần nữa là không hợp lý.

Ngoài ra nếu ông Long được xác định là bị oan thì cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra oan sai, vậy đứng trước nguy cơ bị xử lý trách nhiệm liệu có xảy ra việc cố gắng kết tội cho bằng được không? Điều này không khó trả lời và một khi cách làm đã không hợp lý thì kết quả sẽ không có công lý. Tôi đã nhiều lần đề nghị chuyển vụ án lên cho cơ quan điều tra của Bộ công an trực tiếp điều tra lại vụ án. Ý kiến đã không được chấp nhận, tuy vậy về sau này vụ án có thêm điều tra viên cao cấp của Bộ công an tham gia cùng và hoạt động điều tra chịu sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành tư pháp trung ương.

Đến năm 2015 Quốc hội đã chọn chủ đề giám sát cho một kỳ họp Quốc hội là vấn đề phòng chống án oan sai trong tố tụng hình sự, trong suốt khoảng thời gian một năm kể từ khi chủ đề giám sát được lựa chọn cho đến khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, các Đại biểu Quốc hội và các bộ ban ngành đều quan tâm tìm hiểu về các vụ án oan sai. Việc thu thập tổng hợp số liệu vệ các vụ án kêu oan được thực hiện, các cơ quan báo chí cũng liên tục đưa tin về các vụ án kêu oan.

Tại kỳ họp Quốc hội vào giữa năm 2015, sau khi mổ xẻ các vấn đề về án oan sai và tư pháp hình sự, Quốc hội đã ban hành một Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 Về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Tại Nghị quyết này Quốc hội đã yêu cầu giao cho Cơ quan điều tra Bộ công an thụ lý, giải quyết các vụ án mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án có hình phạt chung thân hoặc tử hình để điều tra lại. Theo đó Quốc hội yêu cầu những vụ án có mức hình phạt chung thân tử hình mà bị hủy án điều tra lại thì giao cơ quan điều tra của Bộ công an tiến hành. Ví như vụ án Hàn Đức Long thì cơ quan điều tra của Bộ công an tiến hành điều tra lại mới hợp lý.

Đó là một sự chuyển biến về chính sách pháp luật hình sự theo hướng hợp lý đúng đắn, và đây là kết quả chính sách có sự đóng góp lên tiếng của tôi qua dẫn chứng từ vụ án Hàn Đức Long.

Trong suốt quãng thời gian các năm 2014, 2015, 2016 và cho đến cả năm 2017 các vấn đề pháp luật hình sự đã luôn được Quốc hội, các ban ngành, báo chí và cộng đồng quan tâm. Lý do là trong thời gian này một loạt các văn bản pháp luật hình sự được đưa ra bàn luận sửa đổi bao gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ tạm giam, đây là toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật về hình sự. Đồng nghĩa với đó khi Quốc hội nghiên cứu xây dựng luật thì các vấn đề thực tiễn được nghiên cứu, các vụ án oan sai được đem ra làm dẫn chứng, điều đó giúp thổi một luồng sinh khí lạc quan hy vọng cho các vụ án kêu oan tưởng chừng như bế tắc.

Nhìn ra và nắm lấy cơ hội đó tôi đã phát huy khả năng của mình đúng lúc khi liên tục viết ra hàng loạt bài báo phân tích về các vấn đề pháp luật hình sự, đưa ra các khuyến nghị sửa đổi pháp luật. Tôi đã khiến cho cái tên Án oan Hàn Đức Long được thường xuyên xuất hiện trên báo chí, diễn đàn mạng xã hội, gắn liền với nó là những ý kiến luận giải các vấn đề pháp lý xác đáng có chiều sâu, qua đó giúp cho vụ án của ông Long nhận được sự chú ý và gây dựng dần niềm tin oan sai.

Còn tiếp …

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com