Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Nghiên cứu pháp luật

Hồi ký vụ án Hàn Đức Long – Kỳ 11: Vạch phương hướng cho việc minh oan

Để minh oan cho tử tù Hàn Đức Long đòi hỏi luật sư bào chữa khả năng thông hiểu về cơ chế vận hành của bộ máy tư pháp, mà một phần trong đó đã được quy định tại các văn bản pháp luật về quy trình thủ tục tố tụng hình sự. Nhưng phần khác đó là những ngoắt nghéo trong bộ máy hệ thống, những vấn đề rối rắm trong thực thi quyền hạn nghĩa vụ của các vị trí chức danh lãnh đạo, mà muốn hiểu được đòi hỏi phải có một khả năng hình dung tưởng tượng và một năng lực tầm nhìn tốt về hệ thống tư pháp.

Một vấn đề tôi băn khoăn là liệu các lãnh đạo tư pháp cấp cao họ sẽ tin vào lời kêu oan của tử tù và luật sư hay là họ sẽ tin vào đội ngũ cán bộ tư pháp dưới quyền? Những người đã được đào tạo bài bản về chuyên môn, có thâm niên nhiều năm trong công tác và trung thành với truyền thống bộ máy? Tội phạm thì thường bị cho là có tính cách xảo quyệt gian trá, luật sư thì lúc nào chả kêu oan cho thân chủ, nhận tiền của người ta rồi thì kêu oan, đó là nghề kiếm sống chứ có gì đáng quan tâm?

Đó là những vấn đề cần được đặt ra để cân nhắc định liệu xem có thể làm gì và nên làm những gì. Các lãnh đạo cao cấp có thể quan tâm đến vụ án nhưng họ không thể có thời gian mà ngồi đọc bộ hồ sơ với hàng nghìn bút lục tài liệu xem vụ án thế nào, có oan hay không. Các vị lãnh đạo cũng không phải ai cũng có nghiệp vụ tư pháp để có thể đánh giá hồ sơ chứng cứ. Điều họ có thể làm là nghe báo cáo, nhưng rất có thể người báo cáo lại là các cơ quan từng giải quyết vụ việc, và theo lẽ tất yếu họ sẽ báo cáo việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, tử tù Hàn Đức Long không oan.

Đứng trước khả năng như vậy thì trách nhiệm của luật sư kêu oan là phải phân tích chỉ ra những cơ sở luận chứng kêu oan thật xác đáng và có tính thuyết phục, việc nêu ý kiến không thể theo kiểu nói lấy được mà phải nói có cơ sở chứng lý, vì rõ ràng lúc này mối tương tác ý kiến quan điểm giữa luật sư với những người đều là những người có trình độ, có cương vị, các vấn đề nhận thức và tri thức giao thoa ở một tầm cao mới.

Và làm sao có thể truyền tải ý kiến đến được với các ban ngành cấp cao, đây cũng là một vấn đề nan giải, đơn thư gửi đi chắc gì đã đến được tay của người cần nhận, có thể nó sẽ bị chìm lấp trong hàng đống đơn thư mà các lãnh đạo nhận được hàng ngày từ hàng trăm nghìn vụ việc khác nhau trên cả nước. Tất nhiên là các cơ quan đều có quy trình tiếp nhận xử lý đơn thư, nhưng nếu không biết cách để làm cho vấn đề nổi bật lên để được chú ý thì khả năng nhận được quan tâm giải quyết là rất thấp.

Hiểu được vấn đề như vậy nên một mặt tôi kiên trì gửi nhiều đơn thư, riêng việc gửi đơn và tính toán làm sao tạo ra hiệu quả của lá đơn khi đó đã là cả một sự tích lũy kinh nghiệm trong quá trình hành nghề với hàng nghìn lá đơn đã được soạn gửi đi từ biết bao vụ việc khác. Mặt khác việc kêu oan cũng được thực hiện qua kênh dư luận báo chí và mạng xã hội để tạo ra sự chú ý của các ban ngành đối với vụ án của mình, bởi một trong những nguyên tắc quản trị của các cấp lãnh đạo là xử lý các vấn đề sự vụ được dư luận quan tâm.

Việc minh oan cho ông Hàn Đức Long khi đó cũng là cuộc đối chọi giữa các quan điểm pháp lý buộc tội và gỡ tội, đó không chỉ là cuộc đấu tranh đơn thuần theo trình tự thủ tục tố tụng pháp lý mà đó còn là đủ những mưu mẹo. Về phía các cơ quan tư pháp địa phương thì họ đang phải đứng trước nguy cơ rủi ro cho cương vị uy tín của họ, nếu ông Long được xác định là bị oan thì sẽ có nhiều cơ quan và cán bộ bị xử lý trách nhiệm có thể bị đi tù, và bởi vậy đã có nhiều nỗ lực được bung ra nhằm ngăn cản việc minh oan với đủ ngón nghề luận lý cao thâm. Lúc này luật sư bào chữa cũng phải phát huy và sử dụng đến năng lực trình độ của mình để có thể ứng phó lại, nếu là một luật sư kém về ý chí bản lĩnh hoặc năng lực chuyên môn thì sẽ dễ dàng bị đánh bại, và lời kêu oan sẽ bị chìm tắt như biết bao vụ việc kêu oan không thành khác.

Cũng cần xác định một điều rằng việc minh oan cho ông Long không thể theo cách nhờ một cán bộ cao cấp nào đó tác động vào cỗ máy tư pháp để minh oan, điều này là không thể và sự thật là không thể “chạy” cho việc minh oan ông Long, không cán bộ cao cấp nào có thể tác động vào việc này dù là vì lương tâm hay là được nhờ vả. Điều này có nhiều lý do nguyên nhân.

Thứ nhất việc minh oan cho ông Long là một việc hệ trọng ảnh hưởng đến uy tín của cả nền tư pháp do vậy không thể vì một ý kiến cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu tác động vào mà có thể quyết định được việc minh oan. Thứ hai, việc minh oan cho ông Long sẽ đem đến nguy cơ bị xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan tư pháp, cho nên họ sẽ chống lại và không để cho một sự can thiệp bên ngoài nào vào vụ án theo chiều hướng bất lợi cho họ. Thứ ba, việc quyết định có minh oan hay không với tính chất quan trọng của nó, thì đó là kết quả của nhiều cuộc họp của các ban ngành, đó là quá trình lưu tâm, xem xét, mổ xẻ, đánh giá tác động ảnh hưởng của vụ án trên nhiều phương diện, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng các cơ sở các căn cứ thì quyết định cuối cùng mới được đưa ra ở vào một thời điểm thích hợp. Với một quy trình như vậy thì không có chỗ cho một cá nhân bên ngoài có thể tác động can thiệp.

Quá trình minh oan cho ông Long tôi cũng tự nhủ rằng mình sẽ là người như thế nào? Bởi vì các cơ quan tư pháp họ sẽ đặt ra câu hỏi luật sư kêu oan là người thế nào liệu có thể tin vào lời của người đó không? Làm sao để họ có thể đánh cược uy tín của bộ máy nhà nước vào với người luật sư kêu oan. Từ đó sẽ dẫn tới việc dò xét đánh giá về phương diện cá nhân và lối làm nghề của luật sư bào chữa, người ta sẽ xét xem luật sư có làm việc nghiêm chỉnh hay không, hay là thuộc loại chạy chọt không đáng tin cậy?

Một vấn đề lớn như việc minh oan cho tử tù đi tù oan 11 năm với 04 bản án tử hình, đó là vấn đề có thể gây ảnh hưởng tác động đủ lớn để các cấp buộc phải tìm hiểu đánh giá về mọi khía cạnh của vụ việc trong đó bao gồm cả đánh giá về người luật sư kêu oan, xem bản lĩnh và tri thức thế nào có đủ năng lực để chống chọi lại với các ý kiến trái chiều kể cả sau này khi đã minh oan và có những vấn đề phát sinh.

Cho nên cần khẳng định rằng nếu luật sư bào chữa mà là người làm việc đã bị đánh giá là tha hóa tiêu cực thì đó sẽ là rào cản cho việc minh oan cho ông Long, không ai tin vào lời lẽ của một con người như vậy. Thực tế hiện nay thì thật dễ dàng để một luật sư nói lên lời kêu oan cho một vụ án, trong bối cảnh các phương tiện báo chí điện tử và mạng xã hội sẵn có thì lời kêu oan cũng dễ dàng được phát tán tới cộng đồng xã hội. Đã có nhiều vụ án kêu oan như vậy nhưng đã không thành công, một phần vì lý do người luật sư kêu oan không đủ uy tín cá nhân. Cho nên trong quá trình kêu oan cho ông Hàn Đức Long bản thân tôi cũng thấy mình may mắn khi đã có cả một quá trình làm việc nghiêm chỉnh và thận trọng qua đó tạo ra cơ sở niềm tin nhất định cho các ban ngành.

Vạch phương hướng cho việc minh oan

Một điều tôi luôn tự hỏi là làm thế nào để minh oan được cho tử tù và việc minh oan được thực hiện bằng các hoạt động bào chữa thông thường hay là phải đấu tranh pháp lý? Thực tế thì nhiều luật sư bào chữa đã thực hiện mọi hoạt động bào chữa thông thường rồi mà vẫn không đem lại kết quả, như luật sư đã tham gia các hoạt động tố tụng, nghiên cứu hồ sơ vụ án chỉ ra những cơ sở căn cứ kêu oan rồi trình bày luận cứ bào chữa trước tòa án, hoặc gửi đơn kêu oan đi các cơ quan. Song tất cả những việc này đã được thực hiện mà không đem lại kết quả.

Trong các vụ án thông thường thì có thể nhận định là các cơ quan tư pháp không có thành kiến gì với bị can nên khi luật sư đưa ra những luận chứng có tính thuyết phục thì khả năng sẽ được lắng nghe chấp nhận. Nhưng trong vụ Hàn Đức Long thì khác, đứng trước nguy cơ bị xử lý trách nhiệm các cơ quan tư pháp địa phương không chấp nhận ý kiến của luật sư dù là đúng đắn nhất. Các cơ quan đã vi phạm cả quy định pháp luật để ngăn cản luật sư bào chữa thực hiện quyền của mình, Viện kiểm sát thì không cho luật sư sao chụp hồ sơ vụ án, còn cơ quan giam giữ thì không cho luật sư gặp riêng bị can để trao đổi. Vụ án từ lâu đã được cộng đồng và các ban ngành quan tâm theo dõi giám sát nhưng kết luận điều tra lại năm 2016 được đóng dấu MẬT để bưng bít nội dung vụ án.

Cho nên qua những việc làm như vậy tôi thấy không thể hy vọng vào những hoạt động bào chữa thông thường theo lẽ rằng khi mình đưa ra được những ý kiến xác đáng thì sẽ được các cơ quan tư pháp lắng nghe chấp nhận, vì đến ngay cả các quy định pháp luật rõ ràng nhất như quyền được sao chụp hồ sơ, quyền được gặp bị can mà còn bị xâm phạm cản trở thì luật sư còn hy vọng gì ở những lý lẽ? Cho nên tôi sớm nhận ra rằng việc minh oan cho ông Hàn Đức Long không thể chỉ được thực hiện bằng các hoạt động bào chữa thông thường mà phải bằng sự đấu tranh pháp lý, có nghĩa rằng phải thực hiện những hoạt động thúc đẩy nằm ngoài khuôn khổ thủ tục tố tụng thông thường.

Theo đó tôi đã nhờ đến truyền thông báo chí và mạng xã hội để kêu oan phản ánh tới công luận những sai trái vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án này. Đây thực ra cũng không phải là biện pháp mới mẻ gì bởi các luật sư lâu nay vẫn thường nhờ đến báo chí như một kênh thông tin hỗ trợ cho những vụ việc bảo vệ khách hàng chống lại những lạm quyền tiêu cực. Chỉ khác là tôi đã phối hợp thực hiện các hoạt động này một cách kiên trì bền bỉ trong nhiều năm với nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội, vừa cung cấp thông tin tư liệu để phóng viên nhà báo viết bài, vừa tự tay viết bài đăng báo, bởi bản thân tôi còn có cả năng lực viết báo ngoài hành nghề luật sư, đây được xem là hoạt động chủ yếu cho việc thúc đẩy minh oan.

Tôi cũng hiểu rằng việc minh oan các cơ quan tư pháp ở tỉnh Bắc Giang không quyết định được mà phải là do liên ngành tư pháp trung ương quyết định, vì sự ảnh hưởng lớn lao của vụ việc tới toàn thể ngành tư pháp và bộ máy nhà nước. Nhưng những cơ quan tư pháp trung ương nắm quyền quyết định về vụ án lại không phải là cơ quan tiến hành tố tụng và không có tương tác, đối thoại, làm việc với luật sư. Cho nên để truyền đạt ý kiến tới các cơ quan có khả năng quyết định số phận vụ án, luật sư ngoài việc gửi đơn thì phải nói rộng qua báo chí và mạng xã hội để thông qua các kênh thông tin đó ngõ hầu ý kiến sẽ đến được với họ.

Đã có nhiều cơ quan báo chí nhận được hồ sơ tài liệu từ tôi và đã viết nhiều bài về vụ án trước khi ông Long được trả tự do minh oan. Trong đó từ năm 2013 báo Giáo dục điện tử đã có một loạt bài viết về vụ án này như các bài: “Sắp thi hành án tử hình, vì sao phạm nhân Hàn Đức Long kêu oan?”; “Luật sư chỉ rõ mâu thuẫn khó hiểu trong hồ sơ tử tù Hàn Đức Long”; “Vụ ông Chấn và Hàn Đức Long: Nghi vấn về ý tưởng và những lá thư”; Nhờ đến báo chí và truyền thông mạng xã hội để phản ánh sự việc, đó là cách thức đấu tranh pháp lý nằm ngoài khuôn khổ bào chữa thông thường.

Cuộc đấu tranh pháp lý còn được thực hiện qua việc tôi dẫn chứng sử dụng đến cả những thông tin cơ sở nằm ngoài hồ sơ vụ án, đó là việc sử dụng đến những thông tin từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn và vụ án oan sai “Trộm cổ vật” có 08 người bị oan sai trong đó có một người chết trong quá trình giam giữ điều tra. Nhiều thông tin dữ liệu từ hai vụ án này được tôi tìm kiếm sàng lọc qua báo chí đã trở thành dẫn chiếu nêu ra các vấn đề kêu oan cho ông Long.

Trong việc vạch phương hướng cho việc kêu oan và xác định đây là một cuộc đấu tranh pháp lý chứ không đơn thuần là hoạt động bào chữa thông thường, tôi đã viện dẫn sử dụng đến cả các quy định pháp luật chưa có hiệu lực nhưng có giá trị tiến bộ để làm nổi bật lên các vấn đề của vụ án.

Ai đó đã nói quá trình điều tra hình sự và kết án là một quá trình thuyết phục lẫn nhau giữa những quan điểm buộc tội và gỡ tội, vì xét cho thì cùng bên buộc tội là cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án với bên gỡ tội là luật sư thì cũng đều không ai tận mắt chứng kiến tội phạm cả. Tất cả những lời buộc tội và gỡ tội đều chỉ dựa vào các tài liệu chứng cứ thu thập được, nếu vụ nào có nhân chứng vật chứng rõ ràng thì cơ bản là ổn thỏa, ít tranh cãi, nhưng nếu vụ án như vụ Hàn Đức Long không có nhân chứng vật chứng, không gian hiện trường là đồng ruộng với bề mặt cỏ không để lại dấu vết thì bên buộc tội có gì để kết tội?

Họ chỉ có lời khai nhận tội của bị cáo nhưng sau đó bị cáo đã phản cung cho rằng đã bị nhục hình buộc phải khai nhận, còn về phía luật sư gỡ tội thì đã chỉ ra các điểm phi lý mâu thuẫn có trong hồ sơ vụ án để cố thuyết phục rằng đúng là bị cáo đã bị bức cung nhục hình. Không ai chịu nghe ai, cơ quan tư pháp thì sợ trách nhiệm và lo mất mát uy tín nên nhất quyết không chịu minh oan, luật sư thì kiên trì một mực quan điểm kêu oan. Cứ thế đó là vấn đề tranh cãi bất phân thắng bại mà hành lang pháp lý hiện tại chưa có quy định tháo gỡ. Nhận ra được điều này quá trình kêu oan tôi đã nêu ra quan điểm rằng nếu các cơ quan muốn kết tội (mà trong trường hợp này là định đoạt tính mạng người ta) thì phải đưa ra được chứng cứ rõ ràng, phải giải đáp được những điểm phi lý mâu thuẫn có trong hồ sơ, còn nếu không có chứng cứ rõ ràng thì không thể kết tội.

Nhưng điều đáng buồn là lâu nay tòa án vẫn kết án dựa vào các chứng cứ kết tội mà bỏ qua những điểm chưa được làm rõ trong hồ sơ, nhận định của tòa án thường là mặc dù còn có những tranh cãi nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án vẫn đủ để khẳng định bị cáo có tội. Kiểu kết án như thế mới cẩu thả dễ dãi ngược ngạo làm sao, vì nó để ngỏ những điểm mâu thuẫn vô lý chưa được làm rõ, trong tương lai vài chục năm nữa khi nền tư pháp đã tiến bộ văn minh và luật tố tụng đã hoàn thiện rồi hẳn thế hệ con cháu sẽ thấy cha ông chúng nó sao mà dễ dàng kết án người ta đến thế.

Đến năm 2015 Quốc hội ban hành Bộ luật tố tụng hình sự mới, trong đó quy định cụ thể chi tiết hơn nguyên tắc pháp lý suy đoán vô tội, theo đó tại Điều 13 quy định rằng: Khi không đủ và không thẻ làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Đây là một quy định mới có tính chất nguyên tắc giúp tháo gỡ, tạo lối thoát cho những tranh cãi bất tận giữa những quan điểm buộc tội và gỡ tội lâu nay. Nó tạo ra sự thắng thế cho cái phía lâu nay vẫn thường ở thế yếu, đó là những điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ trong hồ sơ vụ án (thì phải kết luận bị cáo không có tội) mà trước kia rất dễ bị bỏ qua nếu như hồ sơ vẫn có các cơ sở kết tội khác.

Nắm bắt được quy định pháp luật mới mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2015 còn chưa có hiệu lực thi hành, nhưng tôi vẫn viện dẫn chỉ ra giá trị ý nghĩa tích cực của quy định mới tiến bộ này, rồi lập luận dẫn giải vào vụ án Hàn Đức Long để chỉ ra những bất cập khiếm khuyết của cái cơ chế tư pháp đã gây ra vụ án kêu oan. Đó là một hoạt động đấu tranh pháp lý khi vận dụng đến cả những quy định pháp luật chưa có hiệu lực nhằm thúc đẩy minh oan, thay vì chỉ thực hiện các hoạt động bào chữa thông thường chỉ vận dụng các quy định pháp luật đang có hiệu lực.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả trong hoạt động đấu tranh pháp lý kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long là bản thân tôi đã thực hiện một nỗ lực có hệ thống nhằm thúc đẩy cho cải cách tư pháp, đấu tranh cho những chế định pháp lý văn minh tiến bộ hòng tạo ra môi trường pháp lý an toàn cho mọi người. Quá trình này tôi đã viện dẫn vụ án Hàn Đức Long như là một nguồn nguyên liệu dẫn chứng, những ý kiến đóng góp xây dựng xác đáng có chiều sâu đã gián tiếp giúp cho vụ án Hàn Đức Long nhận được sự quan tâm của các ban ngành.

Còn tiếp …

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com