Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Luật sư viết báo

Vụ logo xe vua cho thấy sự lạc hậu của điều tra hỏi cung

Mới đây báo chí trong nước đưa tin vụ án Logo xe vua ở tỉnh Đồng Nai không đủ căn cứ buộc tội về hành vi nhận hối lộ.

Trước đó, năm 2019 Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh khi xét xử phúc thẩm vụ án đã tuyên hủy bản án sơ thẩm do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với 80 cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông về hành vi nhận hối lộ.

Vụ án được trả hồ sơ để điều tra lại làm rõ về hành vi nhận hối lộ và tới nay cơ quan viện kiểm sát đã công bố bản cáo trạng mới, nhưng nội dung vẫn như trước đó.

Theo đó trong vụ án này một số bị can bị xử lý về tội đưa hối lộ, một số người bị xử lý về tội môi giới hối lộ, nhưng lại không có ai bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Lý do được đưa ra là quá trình điều tra, ngoài những lời khai về việc đưa và môi giới hối lộ thì về phía những người bị cho là nhận hối lộ không có ai thừa nhận, không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên cơ quan điều tra không khởi tố những người này.


Lạc hậu

Tôi không là luật sư trong vụ án nên qua vụ việc được báo chí đưa tin chỉ bình luận ở góc độ lý thuyết về một vấn đề bản thân cho là đáng quan tâm đó là hoạt động điều tra lấy cung.

Từ lâu nay hoạt động lấy cung là nghiệp vụ điều tra trọng yếu quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động điều tra hình sự, không một vụ án nào mà không có những xấp biên bản ghi chép lời khai.

Bên cạnh những hoạt động khác như tìm kiếm nhân chứng, thu thập vật chứng, giám định, xét nghiệm, thì lấy cung có thể được coi là linh hồn của điều tra hình sự.

Vậy vì sao lại cho rằng nghiệp vụ điều tra này là lạc hậu?

Để thấy được vấn đề thì mọi người hãy hình dung về việc điều tra hình sự ở nước ngoài.

Nhiều nước họ quy định bị can được quyền im lặng cho nên hoạt động điều tra vụ án sẽ không tập trung vào việc lấy cung.

Thay vào đó việc điều tra sẽ tập trung vào việc xác định nhân chứng, tìm kiếm vật chứng ở hiện trường, tiến hành các xét nghiệm giám định, hoặc thu thập cơ sở dữ liệu điện tử.

Với các bằng chứng thu thập được, cộng với hoạt động phân tích luận giải logic thuyết phục trên nền tảng nhận thức duy lý, từ đó họ đưa ra các cơ sở căn cứ xét đoán là bản chất của hoạt động tư pháp xét xử.

Khi bị can được quyền im lặng thì việc ghi chép biên bản lời khai chỉ xảy ra khi bị can muốn tự nguyện khai báo, khi đó thông thường buổi làm việc sẽ có mặt của luật sư bào chữa, việc khai báo sẽ được ghi âm ghi hình lại làm bằng chứng.

Nhiều bất cập

Ở Việt Nam lâu nay việc lấy cung ghi chép biên bản lời khai được coi trọng quá mức, việc điều tra thường xoáy vào khai thác lời khai của bị can.

Do đi ngược lại với cách làm thông lệ quốc tế nên đã tồn tại nhiều bất cập, những vấn đề đã được phản ánh như bức cung nhục hình.

Hoặc nếu xảy ra mớm cung, dụ cung sẽ khiến câu chuyện vụ án sẽ được kể lại được thêm thắt nội dung không đúng như thực tế đã xảy ra, có thể làm sai lệch ảnh hưởng đến việc xác định sự thật cũng như đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội.

Việc lấy cung hiện nay về phương diện pháp lý là lạc hậu, bởi hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định ‘bị can có quyền trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hay buộc phải nhận là mình có tội’.

Theo đó khai báo là QUYỀN chứ không phải nghĩa vụ, cho nên việc bị can từ chối thực hiện quyền sẽ không có gì là sai trái. Vậy nhưng rất ít bị can hiểu được về quyền trình bày lời khai của mình để thực hiện sao cho có lợi.

Cũng vì lề lối giải quyết vụ án coi trọng hoạt động lấy cung, sử dụng những biên bản ghi chép lời khai là bằng chứng, nên khi bị can phủ nhận hành vi thì lại lúng túng thiếu cơ sở bằng chứng kết tội.

Nếu vụ án logo xe vua xảy ra ở nước ngoài thì mọi người có thể hình dung là nếu đã có người đưa hối lộ, có người môi giới, thì chắc chắn phải có người nhận hối lộ.

Đây gần như là một sự thật không cần phải chứng minh nữa, các nước họ sẽ kết luận ngay là có tội.

Một vấn đề nữa là ở nhiều nước hoạt động xét xử tách bạch giữa việc kết án có tội do Hội đồng xét xử hoặc Bồi thẩm đoàn biểu quyết và việc tuyên hình phạt sẽ do một thẩm phán có chuyên môn đảm nhiệm.

Còn tại VN việc này được thực hiện đồng thời bởi Hội đồng xét xử, cho nên những khó khăn trong việc xác định chính xác số tiền đưa nhận để tuyên hình phạt sẽ cản trở việc kết án có việc phạm tội đã xảy ra hay không.

Tựu chung lại cơ chế tư pháp ở VN khác với nhiều nước, trong điều kiện bình thường thì cơ chế hiện nay vẫn đủ đảm bảo được vai trò giải quyết các vụ án.

Nhưng trong một số trường hợp cụ thể đã bộc lộ cho thấy sự bất cập lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động tư pháp, mà nếu không cải đổi khắc phục thì tình trạng này sẽ còn phổ biến theo thời gian.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com