Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Luật sư viết báo

Vụ ‘bác sĩ Khoa’ cho thấy nhu cầu cần có Luật về Hội

Cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành xác minh vụ việc một số người đã lập lên Facebook giả mạo một bác sĩ tên Khoa rồi dựng lên câu chuyện thương tâm xung quanh vị bác sĩ để kêu gọi tiền quyên góp ủng hộ.

Nếu câu chuyện này không được phát hiện là giả thì đó sẽ là một trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện vốn phổ biến trên mạng ở Việt Nam trong hoàn cảnh thường xuyên có các trường hợp khó khăn thương tâm cần giúp đỡ.

Từ sự việc này cho thấy nhu cầu cần có Luật về Hội.

Để thấy rõ được vấn đề thì cần xác định một người muốn làm việc thiện nguyện thì có những cách thức nào?

Quỹ từ thiện

Năm 2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 93 quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ từ thiện, văn bản này thay thế cho một văn bản có từ năm 2012.

Theo đó quỹ từ thiện sẽ được thành lập gần giống với công ty, đó là một pháp nhân được cấp giấy phép thành lập có tên gọi, con dấu, tài khoản riêng.

Điểm khác là quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Quỹ có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

Quỹ chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Hàng năm quỹ có trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong quá trình hoạt động quỹ được kêu gọi vận động quyên góp tài trợ.

Nhưng để thành lập quỹ thì các thành viên sáng lập sẽ phải đạt một số yêu cầu nhất định về nhân thân và tài sản.Cụ thể:

Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ như sau:

Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).

Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:

Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);

Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

Khi quỹ đã được thành lập thì khi vận động quyên góp từ thiện sẽ sử dụng tài khoản của quỹ chứ không sử dụng tài khoản cá nhân.

Nghị định 93 không quy định rõ về phạm vi hoạt động nên có thể hiểu việc kêu gọi quyên góp trên mạng internet như Facebook, nhận tiền ủng hộ của mọi cá nhân tổ chức trong cả nước, như thế có thể được hiểu là phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

Bởi vậy số tiền ban đầu thành lập quỹ sẽ có thể sẽ được yêu cầu ở mức cao nhất, thẩm quyền cấp giấy phép do Bộ trưởng bộ Nội Vụ, các quỹ hoạt động trong các phạm vi còn lại do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.

Thực tế có thể có nhiều quỹ từ thiện được thành lập, việc lựa chọn ủng hộ quỹ nào phụ thuộc vào sự tín nhiệm của mỗi người.

Số tiền kêu gọi được phụ thuộc vào phạm vi hoạt động kêu gọi, do mối quan hệ của thành viên sáng lập quỹ đó hoặc do cách thức hoạt động của quỹ đảm bảo tính công khai minh bạch không có vi phạm pháp luật nên giành được nhiều tín nhiệm.

Hội nhóm thiện nguyện

Quỹ từ thiện chỉ là một trong các cách thức mà một người có thể thông qua đó thực hiện các hành vi thiện nguyện.

Trong hoạt động cứu trợ cho người gặp khó khăn do dịch bệnh hiện nay có thể hình dung là có vai trò rất lớn của các hội nhóm nhỏ tình nguyện.

Trong khi Nghị định 93 quy định về thành lập Quỹ với số tiền ban đầu lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, thì các hội nhóm thiện nguyện tham gia cứu trợ có tính cách linh hoạt sôi động hơn nhiều.

Nhưng họ lại không được thừa nhận danh tính cũng như nhận được sự bảo hộ.

Ví như trường hợp Facebooker Nguyễn Thùy Dương ở chỗ Thủ Thiêm tôi theo dõi thấy nhóm của cô đã quyên góp và cung cấp nhiều thực phẩm cho người dân nhưng cũng bị gây khó khăn.

Từ thực tế đó theo tôi đã đến lúc cần có quy định luật về hội, để cho những nhóm nhỏ thiện nguyện có thêm những lựa chọn, có thể lựa chọn vẫn hoạt động theo nhóm như cũ hoặc thành lập nên hội để mở rộng và chuyên nghiệp hơn những hoạt động.

Luật về Hội

Tình hình dịch bệnh covid hiện nay làm xuất hiện nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ và trong bối cảnh như vậy nhiều người chợt nhận ra mình có thiên hướng tính cách hoạt động xã hội muốn tham gia giúp đỡ cho người.

Trong quá trình thực hiện nhiều người tìm thấy niềm vui hạnh phúc trong hoạt động, họ vui khi được giúp đỡ người khác, càng được làm việc giúp đỡ lại càng thấy khỏe mạnh yêu đời hạnh phúc hơn.

Nhiều người có thể chỉ đơn giản là thực hiện vài hành động kêu gọi quyên góp rồi trao tặng quà rồi thôi.

Nhưng bên cạnh đó nhiều người tìm thấy giá trị cuộc sống của mình ở những hoạt động thiện nguyện như vậy, họ xác định sẽ gắn cuộc đời còn lại của mình với những hoạt động từ thiện.

Khi đó phát sinh vấn đề là những người đó không thể mãi với tư cách cá nhân đơn lẻ để làm việc.

Nhiều người cũng không muốn tham gia vào một tổ chức thiện nguyện có sẵn khiến cho những ý tưởng kế hoạch của bản thân có thể không được thực hiện như mong muốn.

Khi đó mọi người cần có luật về hội để tạo lập hành lang pháp lý giúp đỡ cho hoạt động.

Khi được quyền lập hội những người cùng có thiên tư tích cách xã hội và có niềm yêu mến đối với các hoạt động thiện nguyện có thể tìm đến hợp lại với nhau.

Điều đó sẽ tạo ra tính chất khoa học chuyên nghiệp trong tổ chức, ra tăng hiệu quả trong hoạt động cứu giúp tha nhân đồng bào.

Thực tế hiện nay nhiều hoạt động thiện nguyện do những nhóm bạn bè người thân quy tụ lại với nhau cùng làm để ủng hộ nhau ví như vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh.

Hoặc hoạt động xoay quanh một cá nhân là doanh nhân giám đốc một doanh nghiệp chẳng hạn như chỗ công ty sách First news Trí Việt.

Điều đó cho thấy góc độ tổ chức là yếu tố cần phải có trong hoạt động từ thiện.

Luật về hội sẽ là cơ chế giúp cho những người không có sẵn bộ máy doanh nghiệp giúp việc cho hoạt động thiện nguyện, hoặc kể cả là có thì nhu cầu về tính hiệu quả chuyên nghiệp cũng đòi hỏi bộ máy riêng cho hoạt động hội.

Khi Hội được đăng ký sẽ có tài khoản riêng, việc quyên góp tiền gửi vào tài khoản của Hội được đăng ký danh tính sẽ đảm bảo xác thực hơn nhiều là sử dụng tài khoản cá nhân như trong vụ bác sĩ Khoa.

Trong bối cảnh dịch covid hiện nay với số đông những người cần giúp đỡ mà nhà nước khó thể một mình kham nổi cần để người dân hỗ trợ lẫn nhau, Luật về Hội theo đó chưa khi nào cần thiết và thích hợp như lúc này.

Luật về hội nếu có sẽ không làm hao mòn gì đến tài sản nhà nước, mà giống như quy định pháp lý về quỹ hoặc luật về công ty, đó chỉ là cơ chế khai phóng tiềm năng con người, giúp nhân lên những giá trị nguồn lực xã hội làm gia tăng lợi ích cho quốc gia.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com