Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Luật sư viết báo

Chống dịch Covid-19 bộc lộ thiếu hụt nhân sự về Quyền con người

Các biện pháp chống dịch Covid hiện nay làm phát sinh các vấn đề câu hỏi về quyền con người, trong đó xác định xem nhu cầu ranh giới của nhà nước đến đâu trong chống dịch tương quan với các quyền của người dân.

Giả dụ một người đàn ông bắc ghế ngồi trước hiên nhà bị xử phạt về vi phạm giãn cách liệu có thỏa đáng?

Hoặc việc người dân đi mua bánh mỳ bị cho là ra ngoài mua hàng không thiết yếu liệu có đúng?

Hay như mới đây chính quyền thành phố Hồ Chí Minh không cho người dân các tỉnh về quê nhằm ngăn dịch lây lan. Nhưng liệu lý do chính đáng đó có thỏa đáng với quyền mưu cầu cuộc sống của người dân muốn tránh khỏi vùng nguy hiểm?

Thực tế thiếu hụt
Để dễ hiểu thì thử hỏi ở các nước Mỹ Âu họ có bắt buộc được người dân chịu các biện pháp phòng dịch như vậy không.

Tất nhiên khó thể so sánh Việt Nam như các xứ đó nhưng các biện pháp đi xa hơn cũng cần phải có lằn gianh giới điểm dừng để được cho là thỏa đáng.

Hôm rồi tôi có bài viết ‘Covid-19 tại VN: ‘Phát triển’ rất quan trọng nhưng không phải là tất cả?’ cho rằng nhân sự lãnh đạo và bộ phận chuyên gia tư vấn cần có sự cân xứng hài hòa.

Bên cạnh những người cổ xúy cho phát triển cần có thêm những người có nhãn quan nhận thức về bảo vệ quyền con người.

Nhưng để ý lại thì thấy rất khó tìm ra được nhân sự như vậy, bởi lâu nay những người thiết tha quan tâm tới quyền con người, tức nhân quyền, thì phần nhiều bị cho là vi phạm bị xử lý.

Còn những hội đoàn mà về nguyên tắc là chăm lo cho quyền lợi cho người lao động như công đoàn, hoặc chăm lo cho trẻ em như hội bảo vệ trẻ em .v.v. thì lại chưa có được vị trí tiếng nói như cần có của thực tế.

Mặt khác các hội đoàn nặng về quản lý hành chính trong khi những công tác xã hội muốn hiệu quả lại cần lòng tâm huyết phù hợp với thiên tư tính cách cá nhân, điều chỉ có được nhờ cơ chế sàng lọc của quyền tự do lập hội.

Như thế, quá trình chống dịch covid bộc lộ ra cho thấy những khiếm khuyết về thể chế cùng sự thiếu hụt về nhân sự, sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về các vấn đề mà lâu nay đã tưởng là đúng.

Làm sao để có?
Để có được nhân sự về quyền con người thì thường ngày cần tạo môi trường cho hoạt động.

Từ những hoạt động thực tế như bảo vệ những người yếu thế dễ bị tổn thương, bảo vệ những người chịu sự bất công của chính sách pháp luật, sẽ giúp đào tạo lên những chuyên gia hay nhà hoạt động có tầm cỡ.

Lấy ví dụ như quá trình bảo vệ quyền con người của Luật sư Mahatma Gandhi trước khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ.

Trong tác phẩm tự truyện ‘Hành trình Mahatma Gandhi’, ông đã kể lại cho biết, sau khi học xong luật ở Anh trở về lại Ấn Độ, nhưng môi trường hành nghề luật sư khi đó ông thấy không phù hợp với niềm xác tín của mình về công lý.

Gandhi chán nản và khi được người quen giới thiệu gợi ý đi Nam Phi thì ông đã đồng ý.

Đến đó Gandhi đứng ra bảo vệ cho kiều bào Ấn trong những sự vụ liên quan đến kiện cáo.

Lúc đó nhiều người Ấn khi đi làm việc ở Nam Phi ngoài những khoản chi phí ăn ở đi lại phải tự lo thì họ còn phải chịu một thứ thuế bất hợp lý, đó là phải nộp một khoản tiền thì mới được cấp phép làm việc.

Mọi người nhờ Gandhi phản ánh thứ thuế bất hợp lý đó lên nhà chức trách, ông đã viết đơn khiếu nại, nhờ báo chí phản ánh, trực tiếp đi gặp gỡ người này người kia, rồi cũng bị nhiều trắc trở khó khăn.

Một lần ông bị đám đông hành hung bao vây ném đá vào người mà chỉ nhờ một viên cảnh sát trưởng cho trốn vào nhà thì mới thoát được, cuối cùng thứ thuế kia cũng được bãi bỏ.

Hoặc khi Gandhi về lại Ấn Độ, có những vùng dân cư xa xôi hẻo lánh người dân phải chịu đựng những chính sách bất công.

Những người nông dân được cho thuê đất canh tác, ngoài tiền thuê đất phải trả thì còn phải canh tác một tỷ lệ 3 sào đất cho chủ thu hoạch, ví như thuê 10 sào thì nông dân phải chăm sóc 3 sào cho chủ đất để ông ta chỉ việc thu hoạch.

Những nông dân không biết làm sao với chính sách áp đặt từ lâu như vậy, Gandhi đã giúp họ cũng bằng những phương pháp như đã giúp thay đổi chính sách ở Nam Phi.

Song những chủ đất cũng cáo buộc Gandhi kích động dân chúng làm sáo trộn đời sống yên bình ở địa phương rồi yêu cầu nhà chức trách cấm ông bước chân đến địa phương.

Nhưng rồi vẫn bằng những nỗ lực kiên nhẫn đối thoại với các bên, dẫu cũng xảy ra việc bắt bớ giam giữ và đánh đập, cuối cùng chính sách bất công cũng được dẹp bỏ.

Gandhi quan niệm nhiều chính sách dù rất lạc hậu bất công nhưng được duy trì do bởi phía bên kia có thể vẫn thành thực tin rằng những chính sách như vậy là đúng đắn.

Do vậy Gandhi coi trọng đối thoại khai sáng và sử dụng khả năng luận lý của người học luật thúc đẩy cho thay đổi.

Điều này cũng đúng với nhiều xã hội, thực tế có rất nhiều lề lối quan niệm vẫn được áp dụng mà nhiều người cho là đúng nhưng thực chất rất cần được soi xét lại về lẽ công bằng và công lý.

Khi danh tiếng của Gandhi được nhiều người biết đến qua những hoạt động bảo vệ quyền con người thì ông được giới thiệu gặp gỡ làm việc với nhiều nhân vật lớn khác của Ấn Độ.

Khi đó ở Ấn có một tổ chức giống như Quốc hội nhưng mà đông đúc tới gần chục nghìn người, cách thức tổ chức làm việc có nhiều bất cập.

Một trong những lãnh đạo lớn của tổ chức đưa Gandhi vào với vai trò giúp việc, Gandhi đã tham gia soạn thảo một bản Hiến pháp thiết lập cơ cấu tổ chức cho Quốc hội, văn bản sau đó được các bên chuẩn thuận đưa vào áp dụng.

Sau khi có được sự tín nhiệm của Quốc dân đồng bào người Ấn thì Gandhi đã giúp họ đấu tranh giành độc lập khỏi người Anh.

Từ câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Gandhi đã cho thấy, Gandhi chính là một người bảo vệ nhân quyền, bằng cách lựa chọn thúc đẩy pháp luật công bằng ông đã giúp đưa đến bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều người.

Việt Nam hiện nay
Những khó khăn mà Gandhi gặp phải nằm trong câu chuyện đã xảy ra từ cả trăm năm trước.

Đến nay nhận thức về nhân quyền hẳn đã phải khác.

Ở Việt Nam suốt hàng chục năm từ ‘Nhân quyền’ luôn được cho là ngôn ngữ nhạy cảm. Rất nhiều người hoạt động nhân quyền đã bị bắt giữ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Năm 2015 Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên đã quy định về quyền con người, tức nhân quyền.

Theo đó một trong những nhiệm vụ mà Bộ luật tố tụng hình sự hướng đến là bảo vệ quyền con người, bên cạnh những nhiệm vụ khác như bảo vệ công lý.

Bản thân tôi trong quá trình hành nghề luật sư đã liên tục phản ánh thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ cho bị can bị cáo, qua những trường hợp của thân chủ tôi cũng kêu gọi nhà nước mở rộng không gian quyền hạn cho các tử tù.

Khi bảo vệ cho những trường hợp bị thu hồi đất tôi cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý đất đai và đưa ra những khuyến nghị thay đổi pháp luật.

Nhưng tôi cũng bị nhiều khó khăn trắc trở do bởi vẫn tồn tại những nhận thức thiếu thân thiện về quyền con người.

Đó là môi trường thực tế hiện nay mà rồi từ đó đã dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự tầm cỡ về quyền con người.

Đến nay các biện pháp chống dịch Covid đặt ra nhiều câu hỏi về quyền con người, nhưng để bảo vệ được thì đó quả là một thách thức rất lớn.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com