Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng thương mại

Khách hàng cần phân biệt được sự khác nhau giữa hoạt động thương mại với các hoạt động dân sự khác. Từ đó xác định hợp đồng giao kết có phải là hợp đồng thương mại hay không:

Hoạt động thương mại là hoạt động của các thương nhân nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án gồm:
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
A) Mua bán hàng hoá;
B) Cung ứng dịch vụ;
C) Phân phối;
D) Đại diện, đại lý;
Đ) Ký gửi;
E) Thuê, cho thuê, thuê mua;
G) Xây dựng;
H) Tư vấn, kỹ thuật;
I) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
K) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
L) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
M) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
N) Bảo hiểm;
O) Thăm dò, khai thác.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

Lưu ý về chế định phạt hợp đồng:
Nếu trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận về phạt hợp đồng thì khi một trong các bên vi phạm cam kết, bên kia có quyền phạt vi phạm hợp đồng. Luật quy định: Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.

Thẩm quyền và thời hạn giải quyết vụ án tranh chấp thương mại:
Về thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp quận, huyện giải quyết các vụ việc tranh chấp thuộc các mục a, b, c, d, đ, e, g, h và i nêu trên. Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết các vụ việc tranh chấp thuộc các mục k, l, m, n, o còn lại.

Thời hạn giải quyết được căn cứ theo Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
Thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng;
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:

A) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
B) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
C) Đình chỉ giải quyết vụ án;
D) Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com