Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Nghiên cứu pháp luật

Kỳ 22: Kiến nghị tập thể

Nhiều năm liền trong suốt quá trình kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long tôi đã soạn nhiều đơn thư kiến nghị về các vấn đề tư pháp gửi tới lãnh đạo các ban ngành, có những kiến nghị cá nhân và cả kiến nghị tập thể, hối thúc sửa đổi các quy định pháp luật bất cập là nguyên nhân góp phần gây ra oan sai.

Kiến nghị đầu tiên gửi ngày 04/11/2012 về việc chấn chỉnh hoạt động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra, mà tôi cho rằng có nhiều lạm dụng bất cập. Kiến nghị được gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ công an, các luật sư và cơ quan báo chí. Trong đơn nêu rằng: Căn cứ vào quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 1992: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, và căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, dựa vào đó tôi thực hiện quyền kiến nghị của mình.

Trong kiến nghị tôi nêu rằng: Bắt tạm giam là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, mục đích là nhằm ngăn chặn bị can bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc bắt tạm giam đã biến tướng thành một hình thức truy bức nhục hình.

Xét điều kiện giam giữ người hiện nay, phòng giam thì chật hẹp, điện nước sinh hoạt thiếu, thức ăn nghèo dinh dưỡng, có hiện tượng bị người giam giữ chung hành hạ, không được thăm gặp người thân, không được tiếp cận với sách báo truyền hình… Với điều kiện giam giữ như vậy con người sẽ suy kiệt về sức khỏe, sa sút về tinh thần, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai đó chính là một hình thức truy bức nhục hình.

Tiếp đó tôi dẫn chiếu đến vụ án Hàn Đức Long: Bị cáo đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình về tội Giết người và hiếp dâm trẻ em hiện đang chờ thi hành án. Trong các lời khai bị cáo đều nhận tội, bản tự thú do chính tay bị cáo viết cũng nhận tội, nhưng khi ra tòa bị cáo lại chối tội. Khi được hỏi tại sao bị cáo khai nhận tội thì bị cáo trả lời rằng đã bị hành hạ tưởng rằng sẽ chết ngay trong khi giam giữ, bị cáo phải nhận tội để có cơ hội được sống ra trước tòa mà nói lên sự thật mình không phạm tội, bị cáo sợ rằng mình sẽ chết mà không được gặp mặt vợ con để nói rằng mình bị oan. Bị cáo khai rằng bị điều tra viên yêu cầu viết theo lời đọc, khi không viết liền bị đâm bút bi vào bàn tay.

Xung quanh việc khai báo tôi cho rằng: Xét về bản chất con người thì không ai phản bội lại chính mình, việc có lời khai ngày hôm nay có thể trở thành tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Trong thực tế chỉ do bị truy bức nhục hình thì người ta mới phải khai báo. Còn xét về bản chất của luật pháp, việc điều tra xử lý tội phạm là nhằm bảo vệ luật pháp, bảo vệ các quyền công dân, như vậy việc ép buộc bị can phải khai báo lại đã xâm phạm tới một quan hệ pháp luật khác cũng được pháp luật bảo vệ, đó là quan hệ pháp luật về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của công dân.

Như vậy việc xử lý vụ án ban đầu mang ý nghĩa tốt, tích cực đã được thực hiện bằng những cách thức phản lại chính ý nghĩa ban đầu của nó. Đây là sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu. Với điều kiện giam giữ như nêu trên và thời gian giam giữ kéo dài sẽ khiến bị can tuyệt vọng buông xuôi, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai đó chính là lạm dụng việc bắt giam để lấy cung, nhiều trường hợp dẫn đến oan sai như vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang.

Một kiến nghị thứ hai được tôi bổ sung sau đó vào ngày 02/12/2012 cũng về vấn đề chấn chỉnh hoạt động điều tra bắt giam hỏi cung, ngoài việc gửi chuyển phát qua đường bưu điện còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Đó là những nỗ lực đầu tiên nhằm đưa cái tên án oan Hàn Đức Long đến với cộng đồng.

Ngày 8/7/2013 tôi tiếp tục có đơn kiến nghị rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng, trong đơn nêu rằng: Điều tra, truy tố và xét xử là các giai đoạn trong tố tụng hình sự được quy định rõ thời hạn, để hết thời gian đó thì phải chấm dứt nhằm mục đích không cho việc xử lý tội phạm biến tướng thành công cụ trấn áp xâm hại quyền công dân. Nhưng thực tế lâu nay nhiều vụ án thời gian giải quyết kéo dài gây lãng phí thời gian công sức của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân, gây khốn khổ cho bị can bị cáo và làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc điều tra xử lý tội phạm.

Tôi nêu ví dụ về vụ án có thời gian giải quyết kéo dài là vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang kéo dài từ năm 2005 đến 2012, hiện bị cáo đang chờ tiêm thuốc độc. Đây là vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng mà thời gian kéo dài đã đọa đày cuộc sống của nhiều gia đình. Trong vụ án này hoạt động điều tra kéo dài nhưng chất lượng điều tra lại thấp, mức độ tin cậy của bằng chứng thu thập thêm có thể nói là con số không.

Trong kiến nghị tôi cho rằng: Thời gian tiến hành tố tụng kéo dài gây ra nhiều bất cập, vì nếu coi việc xử lý tội phạm như công việc của bác sỹ chữa lành vết thương cho xã hội, thì việc kéo dài thời gian tố tụng sẽ kéo dài nỗi đau cho nạn nhân. Việc xử lý tội phạm mất đi ý nghĩa hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau cho xã hội. Nếu coi việc xử lý tội phạm là giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, thì việc kéo dài nó lại gây hại cho sự bình yên, bởi vì kéo dài thời gian xử lý tội phạm là kéo dài môi trường dung dưỡng cho bạo lực. Khi tội phạm xảy ra tâm lý của bị hại đòi hỏi sự trừng phạt, tâm lý của công luận đòi hỏi thực thi công lý. Khi thời gian chờ đợi kéo dài, những tiếng kêu gào công lý sẽ biến thành tiếng kêu than trả thù tạo nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án minh oan cho ông Hàn Đức Long, ngày 8/7/2013 tôi đã soạn riêng một thư kiến nghị nêu ra các bất cập pháp luật xét riêng từ vụ án Hàn Đức Long. Sau đó tôi dẫn ra: Tử tù Hàn Đức Long đang bị giam giữ tại Trại giam Kế tỉnh Bắc Giang hiện nằm trong danh sách chuẩn bị thi hành án tử hình theo chính sách mới của chính phủ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013 (Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc). Là luật sư từng tham gia bào chữa cho bị cáo và có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo bị oan, mặc dù đã kêu cứu nhiều nhưng kết cục vẫn như hiện nay.

Đã tròn 8 năm kể từ ngày xảy ra vụ án (26/6/2005) và cũng ngần ấy thời gian bị cáo Long chịu nỗi oan khuất nơi ngục tối, điều này không khỏi làm day dứt lương tâm con người. Vụ án oan này là tổng hợp của mọi khiếm khuyết của nền tư pháp nước nhà, trong đó bao gồm nhưng không chỉ tình trạng truy bức nhục hình trong giai đoạn điều tra và tình trạng án tuyên được duyệt từ trước mà không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hiện tại Đảng và nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp và để chính sách thành công rất nên kết hợp với một vụ án điển hình như vụ Hàn Đức Long.

Qua vụ án này tôi kiến nghị một số vấn đề pháp lý gồm: Quy định quyền được giữ im lặng cho bị can bị cáo; Quy định lời khai của bị can bị cáo không là chứng cứ; và Quy định điều tra viên phải có trách nhiệm tham gia tố tụng tại phiên tòa. Điều tra viên phải tham gia phiên tòa để Hội đồng xét xử và các luật sư thẩm tra lại tính hợp pháp của tài liệu chứng cứ thu thập được, để đối chất thẩm vấn làm rõ về những cáo buộc bức cung nhục hình mà bị cáo khai báo tại phiên tòa.

Ngoài những kiến nghị nêu trên còn hàng chục kiến nghị khác đã được soạn gửi đi như các Kiến nghị về công tác tổ chức phiên tòa; Kiến nghị về vai trò của luật sư trong giai đoạn xác minh đơn thư tố cáo trước khi khởi tố vụ án hình sự; Kiến nghị về cải cách thể chế bộ máy nhà nước; Kiến nghị về vai trò của luật sư trong các phiên tòa quân sự; Kiến nghị mở rộng diện bị can được chỉ định luật sư bào chữa.

Nhiều kiến nghị tập thể có các luật sư đồng nghiệp khắp cả nước cùng ghi tên tham gia như: Kiến nghị của 94 luật sư về bản dự thảo điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam; Kiến nghị của 221 luật sư về bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa; Kiến nghị của 9 luật sư đề nghị chấn chỉ công an xã lạm quyền; Kiến nghị của 16 luật sư về công tác ghi chép biên bản phiên tòa… và nhiều kiến nghị khác.

Sự tham gia đông đảo của luật sư khắp cả nước cho thấy tính chất xác đáng của những vấn đề được nêu ra, bởi vậy đã nhận được sự tham gia của đông đảo đồng nghiệp, ngoài ra đó có thể xem như là sự kiểm chứng về sự tín nhiệm của đồng nghiệp đối với cá nhân tôi. Điều này bản thân nó là một thông tin hữu ích để các cơ quan ban ngành có thêm cơ sở đánh giá về người luật sư kêu oan cho tử tù.

Còn tiếp …

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com