Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Nghiên cứu pháp luật

Kỳ 21: Đấu tranh nâng cao vị thế quyền hạn cho Tòa án

Trong khi theo đuổi và thấy được sự khó khăn phức tạp của cơ chế tháo gỡ minh oan, thì khi nhìn lại tôi mới thấy quy trình kết tội mới dễ dãi làm sao. Theo đó một điều tôi nhận ra rằng nguyên nhân gây ra oan sai không chỉ do lối làm việc cẩu thả, mà còn do những nguyên tắc xét xử lỏng lẻo thiếu chặt chẽ của Bộ luật tố tụng hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định Hội đồng xét xử khi nghị án thì biểu quyết theo đa số về từng vấn đề, người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại chỉ lấy ý kiến theo đa số mà không đòi hỏi tất cả các thành viên hội đồng xét xử, gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều phải nhất trí 100% về từng vấn đề có tội hay không. Phải chăng đây là sự lỏng lẻo thiếu chặt chẽ trong việc kết tội và là nguyên nhân dẫn đến án oan? Vì hãy thử hỏi tại sao sau khi đã bàn luận với nhau, người thiểu số lại không đồng ý kết tội như đồng sự, hẳn là phải có lý do gì đó khiến người ta nghi ngờ bị cáo bị oan, và đấy chính là mấu chốt của vấn đề.

Chúng ta hiểu rằng một khi vụ án đã được chuyển sang giai đoạn tòa án thì về cơ bản người ta đã có những cơ sở để kết tội bị cáo, và những cơ sở này được trưng ra trong hồ sơ vụ án dễ nhận thấy, nhưng cái điểm nghi vấn là vô tội thì lại ẩn dấu kín đáo trong hồ sơ, mà phải có sự sắc bén về chuyên môn hoặc nhãn quan thông thoáng không bị những thành kiến nghề nghiệp che lấp mất mới nhận ra được. Cho nên trong cái bối cảnh như vậy cái ý kiến của thiểu số mới lại là cái đáng quan tâm chú ý, và do vậy phải đòi hỏi làm rõ được nghi vấn của người thiểu số, phải giải đáp hết những điểm mù mờ chưa rõ ràng trong vụ án, và chỉ cho phép kết luận có tội khi có sự nhất trí của 100% thành viên Hội đồng xét xử. Đó là cách xét xử đặt ra những đòi hỏi khắt khe cho việc kết tội bằng cách đó giảm tránh đi oan sai.
Và theo như tôi biết thì đó là lối xét xử theo mô hình Bồi thẩm đoàn của hệ thống Tòa án Mỹ, theo như tôi biết qua Bộ phim 12 Angry Man(*) sản xuất năm 1957 của Mỹ, thì với 12 thành viên của Bồi thẩm đoàn được chọn từ những người dân thường, khi biểu quyết phải đủ 12 thành viên đồng ý có tội thì Thẩm phán mới tuyên bị cáo có tội, chỉ một người không đồng ý kết tội thì sẽ không được tuyên bị cáo có tội.
Ở Việt Nam lâu nay việc kết tội lấy theo ý kiến đa số cho nên để ngỏ những vấn đề chưa được làm rõ, trên thực tế Hội đồng xét xử thường có quan điểm rằng mặc dù còn tồn tại vấn đề này kia nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ thì vẫn đủ cơ sở để kết tội. Khi đó những tình tiết chưa được làm rõ trở thành căn cứ kêu oan, và với sự hợp lý của nó khiến cho các bản án hay bị hủy bỏ yêu cầu điều tra lại gây ra những vụ án kéo dài.
———————-
Chú thích:
12 Angry Men (tạm dịch: 12 người đàn ông giận dữ) là một bộ phim Mỹ sản xuất năm 1957 kể về một bồi thẩm đoàn có 12 người đàn ông bàn thảo về tội trạng của một thanh niên 18 tuổi bị xét xử vì tội đâm chết người cha. Tại Hoa Kỳ trong hầu hết các phiên xử hình sự qua bồi thẩm đoàn, tất cả các bồi thẩm viên phải nhất trí khi kết luận bị cáo có tội hay vô tội.
Ban bồi thẩm được đưa đến một phòng riêng, ngay lúc đầu hầu hết các bồi thẩm viên đã quyết định rằng bị cáo có tội, và họ có ý định đưa phán quyết này mà không cần bàn thảo – chỉ trừ một người duy nhất biểu quyết “vô tội” trong cuộc biểu quyết đầu tiên. Ông ta giải thích rằng đây là một việc hệ trọng cho nên không thể đưa ra phán quyết mà không bàn thảo. Lá phiếu của ông đã làm tức giận các bồi thẩm viên khác khi trong số họ có người đang để tâm trí vào một trận bóng chày tối hôm đó, và có người thì tin rằng hầu hết mọi người xuất thân từ các khu ổ chuột có khả năng phạm tội cao hơn người bình thường.

Trong khi một số các viên bồi thẩm có những định kiến cá nhân, thì vị bồi thẩm biểu quyết vô tội cho rằng bị cáo đáng được có một cuộc thảo luận công bằng. Ông đặt câu hỏi làm nổi bật những nghi vấn trong vụ án và ông cũng cho rằng lương tâm ông không cho phép ông bỏ phiếu “có tội” khi ông cảm thấy có sự nghi ngờ hợp lý về khả năng gây án của bị cáo.
Sau một quá trình phân tích tranh cãi và thảo luận, trải qua nhiều lần biểu quyết, số người bồi thẩm bị thuyết phục rằng bị cáo “vô tội” ngày càng tăng thêm, đến phút cuối cùng thì tất cả bồi thẩm đoàn đều đã bị thuyết phục và đưa ra phán quyết bị cáo vô tội.
Bộ phim đặc biệt ở điểm gần như chỉ dùng một bối cảnh diễn ra trong một phòng họp bồi thẩm.
Năm 2007, 12 Angry Men được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ vào Viện lưu trữ phim Quốc gia vì sự “quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, hay thẩm mỹ” của nó.
——————————————————
Việc kết tội lấy theo ý kiến đa số thay vì phải đòi hỏi 100% thành viên Hội đồng xét xử nhất trí, cho thấy quy trình kết tội còn lỏng lẻo của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay. Không chỉ vậy, sự dễ dãi trong kết tội còn thể hiện ở quy định số lượng ít các thành viên Hội đồng xét xử, mà qua đó giảm bớt đi những ý kiến tranh luận bàn cãi nếu có, cái mà nó sẽ có ở số đông và có ích trong việc làm sáng tỏ các vấn đề của vụ án. Theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, vụ việc phức tạp thì 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Trong khi ở Nhật Bản, nước cũng áp dụng mô hình xét xử thẩm vấn gần gũi với Việt Nam thì Hội đồng xét xử của họ có tới 3 thẩm phán và 6 hội thẩm nhân dân, tổng cộng là 9 người. Số lượng đông của Hội đồng xét xử còn hữu ích ở chỗ đó là một rào cản cho hành vi hối lộ mua chuộc hoặc đe dọa khống chế.
Và để giữ được tính độc lập của người hội thẩm, ở các nước họ lựa chọn người bất kỳ trong dân chúng có tính chất luân phiên, trong khi ở Việt Nam các Hội thẩm được Hội đồng nhân dân bầu ra với nhiệm kỳ bằng với nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, và những người được bầu ra với số lượng hạn chế này sẽ tham gia thường xuyên vào các vụ án cho tới hết nhiệm kỳ, điều này khiến cho các hội thẩm kém đi sự độc lập mà hay bị phụ thuộc chi phối.
Trong khi bản chất của hoạt động xét xử là phán đoán mà người ta đã tính toán rằng một người thì có thể phán đoán sai, nhưng nếu cộng kết quả phán đoán của nhiều người thì sẽ cho ra kết quả gần đúng. Song muốn vậy thì cái quan trọng là phải giữ được sự độc lập trong ý chí nhận thức của những người phán đoán, còn như hiện nay yếu tố phụ thuộc làm kém đi chất lượng của những đoán định, làm kém đi vai trò tác dụng của Hội thẩm.

Từ quá trình kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long tôi nhận ra rằng quy trình thủ tục tư pháp lâu nay được xác lập theo mục đích thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Cách thức tổ chức hoạt động xét xử hiện nay được thực hiện theo một hệ thống còn tương đối đơn giản, trong khi để giảm tránh án oan thì nó đòi hỏi quy trình thủ tục tư pháp phức tạp hơn. Từ đó tôi nêu ra rằng để tránh án oan cần tăng thêm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử và lựa chọn rộng rãi trong dân chúng, ngoài ra về nguyên tắc xét xử thì khi nghị án thay vì lấy ý kiến theo đa số thì phải đòi hỏi 100% ý kiến nhất trí thì mới được kết tội.
ư pháp gây ra oan sai cũng do bởi nó đã không được thiết lập vận hành theo các chuẩn mực khoa học pháp lý tốt nhất, quyền hạn của tòa án bị chia sẻ với các thiết chế tư pháp khác. Điều này rất dễ nhận thấy trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự giao thương lưu chuyển dòng chảy thông tin tri thức. Để giảm tránh oan sai thì nền tư pháp Việt Nam cần được thiết lập hiệu chỉnh lại các cơ chế tư pháp, sao cho tiệm cận với chuẩn mực tư pháp của các nước có nền pháp lý văn minh.
Quá trình kêu oan cho ông Hàn Đức Long cũng là quá trình tôi không ngừng nỗ lực tự trau dồi tri thức pháp lý, bằng cách học hỏi góp nhặt tri thức pháp lý qua các vụ án của các nước được báo chí trong nước đưa tin. Năm 2015 báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam đăng bài ‘Tòa án Hàn Quốc bác đề nghị ra lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch POSCO’, nội dung nói về nhà lãnh đạo tập đoàn sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc bị cáo buộc tham nhũng và lập quỹ đen. Bài báo cung cấp một thông tin pháp lý đáng chú ý, đó là ở Hàn Quốc tòa án có quyền bác đề nghị bắt giữ của cơ quan công tố, theo bài báo thì Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra quyết định bác bỏ đề nghị bắt giữ của viện công tố với lý do việc bắt giữ để phục vụ điều tra là không cần thiết.
Trước đó vào năm 2014 một tin khác cũng từ Hàn Quốc liên quan đến việc bắt giữ cựu Phó Chủ tịch hãng hàng không Korean Air, là con gái của ông chủ tập đoàn hàng không Korean bị cáo buộc vi phạm an toàn hàng không khi cô này mắng nhiếc một nữ tiếp viên trên máy bay. Theo bài ‘Hàn Quốc phát lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Korean Air’ trên báo điện tử Hà Nội mới thì lệnh bắt giữ cũng do tòa án ban hành. Đây là những sự kiện diễn ra trong đời sống thực cho thấy tòa án Hàn Quốc nắm giữ đầy đủ thẩm quyền quyết định việc bắt hay không bắt.
Tìm hiểu thêm thì thấy đây là kết quả thực thi quy định từ Hiến pháp nước này. Liên quan đến việc bắt giữ Hiến pháp Hàn Quốc quy định: ‘Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên, trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang’. Theo quy định này thì không chỉ việc bắt mà cả việc khám xét hay tịch thu tài sản đều phải có quyết định của tòa án ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.
Tương tự như Hàn Quốc tại một nước láng giềng khác là Nhật Bản, chỉ khác nhau về cách hành văn Hiến pháp nước này quy định: ‘Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang’. Và ‘Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ. Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán’.
Như vậy Hiến pháp Nhật Bản giống với Hàn Quốc đều quy định tập trung trong tay tòa án thẩm quyền quyết định các việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật.
Trong khi đó ở Việt Nam lại quy định khác, Hiến pháp năm 2013 quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Quy định như vậy cho phép ngoài tòa án thì cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đều có quyền bắt giữ (trường hợp cơ quan điều tra bắt sau đó phải có phê chuẩn của viện kiểm sát). Lâu nay báo chí thường đưa tin bắt giữ và cơ quan ra lệnh bắt là một cơ quan điều tra nào đó mà không phải là Tòa án.

Cũng theo quy định trên thì tòa án không có quyền can thiệp hay ngăn cản quyết định của hai cơ quan kia. Về việc khám xét hay thu giữ đồ vật Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định cả ba cơ quan đều có quyền quyết định, và tòa án cũng không có quyền can thiệp hay bác bỏ. Như thế có thể thấy tòa án ở Việt Nam hoàn toàn kém quyền so với tòa án Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, ở hai nước kia thiết chế tòa án nắm thẩm quyền chi phối và trở thành trung tâm của các hoạt động tư pháp.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc tòa án được tập trung nhiều quyền còn ở Việt Nam tòa án lại bị chia quyền với cơ quan khác, vậy cách quy định nào hợp lý và bảo vệ quyền con người tốt hơn? Chúng ra hiểu rằng việc bắt giữ khám xét hay thu giữ đồ vật đều là những hoạt động xâm hại trực tiếp tới quyền công dân, trong khi quyền công dân lại chính là mục đích được bảo vệ bởi các hoạt động tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Như vậy cần nghiên cứu xem xét lại xem cách quy định nào giúp bảo vệ quyền con người tốt hơn.
Với tinh thần đề cao quyền con người các nước họ đòi hỏi việc hạn chế quyền công dân phải thật sự vì những lý do xác đáng. Họ nhận định rằng chỉ có tòa án được thiết lập và định nghĩa gắn liền với thuộc tính vô tư khách quan mới đủ tư cách để phán xét điều gì là xác đáng hay cần thiết, các cơ quan điều tra hay công tố thì chức năng trách nhiệm của họ là phát hiện xử lý tội phạm nên những yếu tố vô tư công tâm không đủ đầy như tòa án. Từ nhận thức như vậy cho nên người ta mới dành cho tòa án quyền quyết định những việc như bắt giữ khám xét hay thu giữ đồ vật, bằng cách đó nhằm đảm bảo môi trường pháp lý an toàn nhất cho các quyền công dân. Trong khi đó ở Việt Nam luật quy định nhiều cơ quan đều được ra lệnh bắt, đó là mở rộng phạm vi chủ thể có khả năng hạn chế quyền công dân, điều này thể hiện nhận thức coi trọng việc xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền công dân.
Từ lâu nay tòa án không đủ mạnh để có thể bảo trợ cho các quyền con người, trước thực trạng như vậy nhiều người đã nhận ra nhu cầu phải cải cách, song hễ đưa ra một đề xuất nào mới thì hay gặp ý kiến bác bỏ với lý do rằng mô hình hệ thống tư pháp ở ta khác với các nước nên không quy định thế. Nhiều người do thiếu chiều sâu nhận thức nên hay lấy lý do có sự khác biệt về mô hình hệ thống để khước từ đổi mới tạo chướng ngại cho cải cách. Song nếu cầu thị tiến bộ và thực tâm khát vọng xây dựng một nền tư pháp vận hành đảm bảo công lý, thì thay vì bác bỏ mô hình này nọ hãy học hỏi những nguyên lý nền tảng. Những nguyên lý nào đã giúp các nước xây dựng lên các thiết chế với những mối tương quan quyền hạn trách nhiệm như vậy? Chúng ta có giống họ ở những nguyên lý mong muốn đó không? Nếu có thì để đạt hiệu quả chúng ta cũng phải học họ cách thức thiết lập quy trình thủ tục tương tự. Vì bản chất con người là như nhau, nên khi ta và họ giống nhau ở những mong muốn như ngăn ngừa việc làm sai hay khích lệ điều làm đúng thì cách thức tác động điều chỉnh cũng phải giống nhau.
Để rõ hơn hãy lấy ví dụ về quyền im lặng. Xuất phát từ nguyên lý rằng tính mạng, sức khỏe, danh dự con người được bảo đảm (cái này ta và họ giống nhau) cho nên trong tố tụng hình sự phải nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình. Sau khi nghiên cứu kỹ người ta thấy rằng để đảm bảo mọi lời khai là tự nguyện thì cách tốt nhất là cho bị can được quyền giữ im lặng, một khi bị can đã được quyền im lặng thì có thể yên tâm nếu khai báo thì đó sẽ là sự tự nguyện. Để đảm bảo thêm cho điều này các nước quy định việc lấy lời khai phải có sự tham gia của luật sư, hoặc quá trình lấy lời khai phải được ghi âm ghi hình lại. Đó là ví dụ cho thấy từ những nguyên lý nền tảng đã giúp con người định hình xây dựng lên các thiết chế hòng đạt được hiệu quả mục đích.
Từ lâu nay tòa án không đủ mạnh để có thể bảo trợ cho các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì khi xây dựng hệ thống phải đảm bảo sao cho nó có đủ thẩm quyền khả năng để làm việc đó. Thực tế lâu nay tòa án yếu quyền nên không là chỗ dựa vững chắc, không bênh vực bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Điều này biểu hiện thấy ngay trong thực tế đời sống. Trong tranh chấp dân sự người dân chỉ nghĩ đến tòa án như là giải pháp lựa chọn cuối cùng, đã có thống kê xã hội học được báo chí thông tin cho biết nhiều người tìm nhờ xã hội đen đòi nợ thuê có hiệu quả hơn con đường tòa án.
Trong tố tụng hình sự bị can e ngại quyền hạn của cơ quan điều tra chứ không sợ phán quyết của tòa, vì họ biết rằng những gì diễn ra trong giai đoạn điều tra mới quan trọng thực chất và mang tính quyết định về hình phạt chứ không phải ở việc làm của tòa án. Có câu Án tại hồ sơ, mà hồ sơ được xây dựng bởi cơ quan điều tra chứ không bởi tòa án. Nhiều trường hợp người dân hay doanh nghiệp gánh chịu nỗi bất công từ những chủ thể lớn quyền hơn tòa án nên họ không có hy vọng gì ở tòa án, thực trạng này cần phải thay đổi nếu chúng ta muốn có một nền tư pháp đảm bảo công lý và tránh đi những oan sai, muốn vậy thì phải thiết kế lại các quyền cho tòa án.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty Luật Công Chính
    Số 242 Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội
    Điện thoại: (84)- 024 66834411
    DĐ: (84)-0906117641,
    Email: lsngoctrai@gmail.com