Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Nghiên cứu pháp luật

Kỳ 13: Đấu tranh cho quyền im lặng (P1)

Quyền im lặng là vấn đề pháp lý gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi và đây cũng là vấn đề pháp lý tồn tại trong vụ án oan sai của ông Hàn Đức Long. Theo nghĩa rằng vì không được quyền im lặng nên ông Long đã chịu án oan, mà nếu có quy định về quyền im lặng từ sớm thì khả năng đã tránh được oan sai.

Bản thân tôi nhận thấy rất rõ tính quan trọng của quyền im lặng, vì trong vụ án ông Long đã phải khai báo không hề tự nguyện. Ý thức được vấn đề có tính quan trọng như vậy lại trực tiếp liên quan đến vụ án mình đang theo đuổi, từ đó tôi đã viết một loạt bài báo đưa ra nhiều ý kiến tranh biện ủng hộ cho quyền im lặng phản bác lại các ý kiến đối ngược. Những ý kiến xác đáng có chiều sâu gián tiếp giúp cho vụ Hàn Đức Long được củng cố niềm tin oan sai nơi cộng đồng và các ban ngành.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương từng công tác trong ngành kiểm sát đã phát biểu trên một chương trình truyền hình rằng “quyền im lặng không phải là quyền con người”, bằng những lời lẽ hùng hồn ông cho rằng số vụ bức cung nhục hình chỉ là cá biệt ít ỏi, việc quy định quyền im lặng sẽ cản trở hoạt động điều tra trong việc truy tìm xử lý tội phạm, cần cân bằng hài hòa giữa nhu cầu điều tra xử lý tội phạm với việc bảo vệ các quyền công dân, thái quá về bên nào cũng gây hại cho bên còn lại.

Tôi không đồng tình với nhận định trên nên đã viết một bài báo phản biện lại rằng, nói quyền im lặng không phải là quyền con người là sai bởi lẽ quyền im lặng thực chất là một dạng thể hiện của quyền tự do ngôn luận, mà quyền tự do ngôn luận là quyền con người do vậy quyền im lặng là quyền con người. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tại Điều 25 quy định Công dân có quyền tự do ngôn luận và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định, như thế có thể hiểu rằng việc quy định quyền im lặng trong tố tụng hình sự là sự diễn giải luật hóa quyền tự do ngôn luận của công dân theo hiến pháp.

Ngoài ra tôi còn cho rằng nếu bị can không được quyền im lặng tức là để ngỏ khả năng bị can phải khai báo trái ý muốn, cũng tức là chấp nhận việc bị can có thể bị đe dọa xâm hại về sức khỏe danh sự và nhân phẩm, như thế sẽ trái với quy định của Hiến pháp được thể hiện tại Điều 20 rằng mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh sự và nhân phẩm.

Về ý kiến cho rằng quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra xử lý tội phạm tôi cho rằng đây thực chất là quan điểm đánh đổi hy sinh mục tiêu cho phương tiện, vì quyền công dân là mục tiêu còn việc xử lý tội phạm là phương tiện. Nếu không quy định quyền im lặng chắc chắn sẽ xảy ra bức cung, việc ép buộc người ta khai báo trái ý muốn sẽ xâm hại tới quyền được bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe công dân. Vậy hy sinh quyền công dân ngay trước mắt để xử lý tội phạm cũng nhằm bảo vệ quyền công dân khác, thế thì việc điều tra xử lý tội phạm đã mất đi ý nghĩa và là đánh đổi mục đích cho phương tiện.

Tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng hiện trạng truy bức nhục hình chỉ là cá biệt ít ỏi, tuy chưa có số liệu thống kê nhưng tôi cho rằng tình trạng bức cung là rất phổ biến, tình trạng nhục hình thì không nhiều như bức cung. Việc bức cung nhục hình sẽ làm mất niềm tin của người dân vào cơ chế tư pháp, gây chán ghét và làm suy đồi đạo đức xã hội.

Để đấu tranh cho quyền im lặng tôi viện dẫn ra quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966 mà Việt Nam ký kết tham gia năm 1982, công ước đã viết rằng: Trong các vụ án hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những đảm bảo tối thiểu sau đây: Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng. Như vậy có thể thấy quyền im lặng là giá trị phổ quát của nhân loại, đã được quy định trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia, khi đó các nước thành viên đã tham gia công ước có trách nhiệm tiếp thu triển khai luật hóa vào luật pháp trong nước, theo đó tôi cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự cần tiếp thu triển khai quyền im lặng.

Những ý kiến phản đối quyền im lặng chưa dừng lại ở đó, có chuyên gia tư pháp còn cho rằng chưa thể quy định vì số lượng luật sư hiện còn ít quá, ý kiến này dường như thuyết phục được nhiều người trong đó có cả các luật sư. Tôi đã đấu tranh bằng một bài báo phân tích thấu đáo chỉ ra rằng ý kiến này là sai, từ việc làm phép tính so sánh những con số cho thấy kết quả.

Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa 13 báo cáo của Bộ trưởng Bộ công an về công tác phòng chống tội phạm cho biết: Năm 2014 cơ quan điều tra đã khởi tố mới 77.913 vụ án với 121.039 bị can. Tính ra, nếu giả sử mọi vụ án và bị can đều cần luật sư thì với số lượng khoảng 9000 luật sư (số liệu năm 2014) mỗi luật sư sẽ gánh trách nhiệm bào chữa cho 8,657 vụ án/năm hoặc 13,448 bị can/năm.

Thực tế hành nghề thì thấy mỗi năm mà bào chữa cho 8 vụ án hình sự hoặc cho 13 bị can thì luật sư làm được. Cũng theo số liệu từ vài năm trước thì số vụ án hình sự có luật sư bào chữa chỉ là 20% (bao gồm cả số vụ nhà nước chỉ định luật sư cho bị can bị xử ở khung hình phạt chung thân tử hình và bị can là trẻ vị thành niên), 80% số vụ còn lại các bị cáo ‘trắng’ người bào chữa. Điều đó cho thấy số vụ án có luật sư bào chữa là rất ít, tuy nhiên đó là do bị can không mời luật sư chứ không phải luật sư không có để đáp ứng, lý do không mời vì họ không có tiền hoặc vì họ không thấy hiệu quả của việc luật sư bào chữa.

Thực tế lâu nay giới luật sư hành nghề còn chật vật vì ít khách hàng, các luật sư rất mong muốn có khách hàng mời mình để có việc làm nhưng lại không có khách, chỉ một số nhỏ luật sư có thâm niên nghề nghiệp và tạo dựng được uy tín thì mới nhiều khách hàng, còn lại hầu hết giới luật sư còn phải bươn chải vất vả để kiếm sống. Cho nên ý kiến nói chưa thể quy định quyền im lặng vì số lượng luật sư còn ít quá là sai.

Hiện trường vụ án nơi đoạn mương bê tông được mô tả ông Long đặt cháu bé ngồi gây án.
Có ý kiến cho rằng 77.913 vụ án với 121.039 bị can trong một năm, đó mới chỉ là án hình sự, thế còn án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động… thì sao? Liệu 9000 luật sư có ‘gánh’ nổi không? Tôi đã phản biện rằng, những ai bị hoang mang bởi câu hỏi này thì hãy đặt câu hỏi ngược lại rằng thế số lượng thẩm phán và kiểm sát viên thì sao? Với cùng số lượng vụ án giải quyết hàng năm nếu cho rằng luật sư bị quá tải thì thẩm phán và kiểm sát viên có gặp áp lực quá tải công việc không?

Theo Nghị quyết số 770/2009/UBTVQH12 ngày 23/2/2009 của Ủy ban thường vụ quốc hội thì tổng số thẩm phán của cả nước là 5577 người, số đó ít hơn số luật sư 9000 người. Cùng làm công việc nghiên cứu hồ sơ và giải quyết án, và giả sử tất cả các vụ án đều phải có thẩm phán cũng như đều phải có luật sư thì nếu các thẩm phán không bị quá tải công việc thì sao lại cho rằng luật sư sẽ bị quá tải?

Về số lượng kiểm sát viên thì theo Nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban thường vụ quốc hội, tổng số kiểm sát viên các cấp của viện kiểm sát nhân dân là 10.424 người, số đó chỉ lớn hơn số luật sư một chút, 10.424 kiểm sát viên so với 9000 luật sư. Nếu đòi hỏi tất cả các vụ án đều phải có kiểm sát viên và luật sư thì xem ra giới luật sư đang bị thiếu so với kiểm sát viên. Nhưng giới luật sư ngoài 9000 người đang hành nghề thì còn có khoảng gần 4000 người đang tập sự, chỉ một hai năm tới số này sẽ trở thành luật sư chính thức và nâng tổng số luật sư lớn hơn số kiểm sát viên. Cũng theo chiến lược phát triển nghề luật sư thì tới năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng từ 18.000 đến 20.000 luật sư (Số liệu đến năm 2017 số luật sư là 13.000)

So sánh số lượng luật sư với số lượng thẩm phán và kiểm sát viên như vậy để thấy rằng nếu thẩm phán và kiểm sát viên không bị quá tải bởi công việc thì cũng không có cơ sở cho rằng luật sư không thể đáp ứng được công việc. Do vậy ý kiến cho rằng chưa thể thực hiện quyền im lặng do số lượng luật sư còn ít quá là sai. Thực tế số lượng luật sư hiện tại hoàn toàn đáp ứng được công việc khi có quyền im lặng.

Cũng nên biết rằng khi có quyền im lặng thì bình thường bị can được quyền không khai, khi đó hoạt động lấy cung sẽ tụt giảm xuống so với khi chưa có quyền im lặng, khi đó áp lực đòi hỏi về số lượng luật sư cần có để tham gia các buổi lấy lời khai hóa ra là không cấp thiết như nhầm tưởng, như thế sẽ chẳng có vấn đề áp lực gì về số lượng luật sư cả, luận điểm cho rằng vì số luật sư quá ít nên không thể quy định quyền im lặng là sai hoàn toàn.

Một số ý kiến chuyên gia pháp lý còn cho rằng, nếu bị can cứ khăng khăng sử dụng quyền im lặng thì vô hình chung làm mất đi quyền được hưởng sự khoan hồng, hay việc chủ động khai báo sẽ sớm làm sáng tỏ sự việc giúp minh oan cho bị can và sớm được trả tự do. Tôi đã tranh biện lại rằng các phát biểu này cho thấy nhận thức sai lệch về quyền im lặng, vì bị can được quyền im lặng chứ không bị buộc phải im lặng. Bị can có quyền từ chối khai báo khi việc trả lời bất lợi cho mình, còn thì người ta vẫn có quyền chủ động khai báo để thanh minh, để phân bua, để lý giải mình không là thủ phạm. Quyền im lặng không buộc bị can phải im lặng. Im lặng ở đây là quyền, người ta có thể không thực hiện cái quyền của mình và chủ động khai báo. Cho nên ý kiến cho rằng thực hiện quyền im lặng có khi gây bất lợi cho bị can là sai.

Một đại biểu Quốc hội khác ủng hộ quyền im lặng đã nêu ý kiến nhận xét rằng ‘bức cung nhục hình làm suy yếu chế độ’. Điều này cho thấy nhiều người đã ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề bức cung nhục hình, và như vậy thì không còn cách nào khác là phải chặn đứng tình trạng đó, mà giải pháp chính là chế định về quyền im lặng. Bức cung nhục hình thực chất là việc làm hạ thấp nhân phẩm con người, với hàng trăm nghìn con người lâm vào vòng lao lý mỗi năm, làm phép tính cộng theo thời gian sẽ cho thấy một số lượng rất lớn con người bị mất niềm tin vào nền tư pháp. Từ đó mà làm suy yếu chế độ. Quyền im lặng chính là giải pháp cho vấn đề và như trên đã phân tích số lượng luật sư không hề là nguyên nhân khiến phải từ bỏ quy định về quyền im lặng.

Còn tiếp …

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com