Công ty Luật Công Chính - Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội

Luật sư viết báo

Ứng viên Đại biểu Quốc hội có cần giàu có, thân thế quan hệ rộng?

Hiện nay tại Việt Nam các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 đang được thực hiện. Một câu hỏi đặt ra là ứng viên Đại biểu Quốc hội có cần là người rất giàu có, thân thế quan hệ rộng?

Có cũng tốt

Đầu tiên cần khẳng định, những người nhiều tiền, gia đình thân thế tức vốn có người thân nắm giữ chức vụ chính quyền, cùng các mối quan hệ rộng rãi, thì sẽ thuận lợi để trở thành một Đại biểu Quốc hội.

Ở Việt Nam hay các nước cũng đều thế. Bởi vậy nên ở Mỹ có những gia tộc làm chính trị truyền đời như Kennedy hay Bush.

Nhưng ở Mỹ cũng có những người như ông Barack Obama, có cha là người quốc tịch Kenya, mẹ là một nữ nhân viên ngoại giao cấp thấp, chỉ nhờ sự nỗ lực vươn lên và phẩm chất cá nhân mà trở thành Nghị sĩ rồi Tổng thống.

Hay như ông Bill Clinton mất cha từ nhỏ, mẹ là một nhân viên y tá bình thường, cũng chỉ nhờ học hành cố gắng mà thành Nghị sĩ rồi Tổng thống.

Bằng cách đó, cơ quan đại diện dân cử quốc gia, là Nghị viện hay Quốc hội, sẽ là nơi tập hợp đại diện của mọi thành phần dân chúng, giới thượng lưu cũng như người lao động.

Qua đó phản ánh đầy đủ toàn diện các chiều kích mong muốn nguyện vọng nơi dân chúng, cũng như tạo lập một nền chính trị công bằng dựa trên năng lực thực tài và phẩm chất cá nhân.

Năng lực thực tài

Ở Việt Nam hiện nay, nếu một người không có tài sản vài chục tỷ, không sở hữu doanh nghiệp lớn, không là giám đốc sở hay phó chủ tịch một tỉnh, nếu nói ra ứng cử Đại biểu Quốc hội sẽ bị đánh giá là thiếu nghiêm túc hoặc cơ hội trúng cử không cao.

Điều này dường như hoàn toàn trái ngược với thế hệ các nhà lãnh đạo cách mạng đời đầu, hầu hết là những người bình dân, được học hành chỉ ở một mức nhất định, nhưng nhờ sự cố gắng vươn lên và tinh thần cống hiến mà thành.

Vậy hiện nay liệu có cơ hội dành cho những người bình dân như họ?

Ứng viên Đại biểu Quốc hội cần dành cho những người có khả năng tham gia xây dựng pháp luật

Tôi cho rằng hiện nay việc đầu tiên là cần bám sát vào bản chất vai trò của người Đại biểu Quốc hội để tìm ra người phù hợp.

Một trong những công việc chính của Quốc hội là làm luật, cho nên điều kiện cần có ở một ứng viên Đại biểu là khả năng nhất định trong tham gia xây dựng pháp luật.

Để thấy được khả năng này của ứng viên thì có thể nhìn nhận đánh giá từ quá trình thực hiện công việc trước đó, xem ứng viên làm nghề nghiệp gì, đã từng tham gia những gì vào công tác xây dựng pháp luật.

Nhưng chỉ có khả năng tham gia xây dựng pháp luật thôi là chưa đủ.

Tinh thần tích cực quan tâm tới các vấn đề xã hội
Một tiêu chí quan trọng khác của ứng viên Đại biểu Quốc hội là tinh thần tích cực quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Bởi lẽ Quốc hội ngoài làm luật thì còn là cơ quan ban hành các chính sách xã hội, cho nên ứng viên Đại biểu Quốc hội cần là người tích cực quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Theo đó ứng viên Đại biểu cần là người có thể nói lên tiếng nói của người dân, nói đúng và trung thực ý chí nguyện vọng nhân dân, giám sát thúc đẩy bộ máy quản lý làm tốt công việc, luận bàn các vấn đề quốc gia xã hội và xây dựng chính sách.

Việc ban hành các chính sách của Quốc hội có thể thông qua các văn bản luật điều chỉnh quan hệ xã hội, hoặc các nghị quyết về từng vấn đề nào đó, hoặc biểu quyết danh mục chi tiêu ngân sách hàng năm cho từng ngành lĩnh vực, hoặc quyết định một số dự án đầu tư cấp quốc gia.

Những việc làm đó của Quốc hội đều có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội.

Để việc ban hành chính sách được trúng và đúng thì Đại biểu Quốc hội cần dành cho những người tích cựu quan tâm tới các vấn đề xã hội

Vì những công việc như thế, cho nên để ban hành chính sách được trúng và đúng thì Quốc hội cần là nơi tập hợp những người có tính cách tích cực quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Nếu không phải thế thì các chính sách do Quốc hội ban ra sẽ thiếu đi sự phù hợp với thực tế đời sống, xa cách, không phản ánh đúng những mong muốn của cử tri.

Một vai trò đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, đó là Đại biểu Quốc hội là những người đại diện phản ánh ý chí nguyện vọng của cử tri.

Cho nên những người phản ánh tốt nhất ý chí và nguyện vọng của cử tri chỉ có thể là những người có khuynh hướng tính cách thường xuyên quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Họ sẽ luận bàn các vấn đề để thúc đẩy trách nhiệm cũng như tìm ra giải pháp. Từ đó giúp Quốc hội ban hành ra các chính sách xã hội được trúng và đúng.

Sự bày tỏ quan tâm tới các vấn đề xã hội không nên chỉ có khi đã trở thành Đại biểu Quốc hội rồi, mà sự quan tâm đó cần là tính cách thiên hướng cá nhân, đã bộc lộ ra trong đời sống công việc hàng ngày, ứng viên Đại biểu Quốc hội nên được tìm trong số những người như thế.

Nêu ra như thế cũng để thấy rằng những người dù có kiến thức chuyên môn sâu về một lĩnh vực nào đấy, nhưng nếu thiếu tích cách tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội thì không nên là Đại biểu Quốc hội.

Những người như vậy chỉ nên đóng góp ở tư cách chuyên gia, bởi các chuyên gia cũng được hỏi ý kiến tham khảo trong ban hành chính sách hay pháp luật.

Do Quốc hội là cơ quan giám sát cho nên những cán bộ thuộc bộ máy nhà nước như hành pháp hay tư pháp, vốn là những người chịu sự giám sát, cần giảm tránh là Đại biểu Quốc hội, bởi một người đang ở cương vị chính quyền như thế thường sẽ có xu hướng im lặng.

Người dân cần những Đại biểu tích cực quan tâm đến các vấn đề xã hội, tức chính là những vấn đề của dân chúng mà người dân quan tâm và cần được Đại biểu hướng dẫn giải thích khai mở nhận thức về các vấn đề.

Những người giàu có thân thế quan hệ rộng chỉ là điều kiện thuận lợi còn tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội cần coi trọng người có năng lực thực tài và phẩm chất xứng đáng

Người dân cũng muốn Đại biểu thay mặt họ chất vấn cán bộ các ban ngành để có phương án giải quyết tháo gỡ các công việc, người dân cần các Đại biểu cung cấp những đánh giá góc nhìn để chỉ ra lợi ích của dân chúng nên là như thế nào trong nhiều vấn đề mà họ băn khoăn lúng túng.

Những người mà trong đời sống công việc thường xuyên lên tiếng một cách có trách nhiệm, luận bàn chỉ ra được nguyên nhân và giải pháp thiết thực khả thi cho các vấn đề ở tầm địa phương cũng như quốc gia, chính là những ứng viên tiềm năng xứng đáng.

Từ thực tế đó có thể khẳng định, việc một ứng viên giàu có, gia đình thân thế và có quan hệ rộng chỉ là điều kiện thuận lợi, còn thiết yếu nhất vẫn là năng lực chuyên môn của người đó đáp ứng được công việc của một Đại biểu Quốc hội hay không.

Việc bầu chọn theo đó cần tập trung hướng đến những người có năng lực thực tài và phẩm chất xứng đáng, dù cho đó chỉ là tất cả những gì họ có.

Địa chỉ liên hệ

  • Công ty luật TNHH Công Chính Số 242 Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Điện thoại: (+84)-0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com